Tham dự hội nghị có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản.
Triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở các cấp của TP đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, gắn với chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp, tổ chức 585 hội nghị cho trên 95 lượt người. Tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát trên 1,3 triệu tài liệu pháp luật cho Nhân dân để tuyên truyền các văn bản pháp luật mới liên quan đến dân chủ, dân sinh. Ở cấp TP, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP đã tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, thanh niên và công nhân lao động. Đối với cấp huyện đã tổ chức 41 hội nghị đối thoại đột xuất, 4 hội nghị đối thoại định kỳ; cấp xã tổ chức được 87 hội nghị đối thoại định kỳ và 261 hội nghị đối thoại đột xuất.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, MTTQ Việt Nam TP đã hướng dẫn MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp xã tổ chức giám sát 301 cuộc về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ban thanh tra Nhân dân đã tổ chức 2.563 cuộc giám sát, phát hiện 167 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 162 vụ; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.360 vụ, phát hiện và kiến nghị các cơ quan xử lý 42 vụ. Các cơ sở trên địa bàn TP đã tiến hành hòa giải thành công 1.402/1.888 vụ việc (đạt 74,25%).
Phát huy dân chủ gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, triển khai nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở TP. Nổi bật là gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cùng với việc tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền các văn bản của T.Ư, TP về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân để qua đó phát huy dân chủ gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
Đối với LĐLĐ TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, phối hợp chặt chẽ với Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức hội nghị công nhân viên chức ngay từ đầu năm học, qua đó hoàn thiện hơn nữa hình ảnh của ngành Giáo dục Thủ đô thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ trong nhà trường. Cùng với đó, có giải pháp giải quyết hiệu quả tình trạng đình công, lãn công thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn.
Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo gắn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện những nhiệm vụ chính trị của TP, trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; các chỉ thị của T.Ư và Thành ủy về triển khai công tác dân vận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ban Dân vận Thành ủy xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở TP chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND TP kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai công tác dân vận chính quyền theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU của Thành ủy, qua đó phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ cả năm 2022.