Theo nghiên cứu mới công bố, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới này có số người phải đối mặt với các vấn đề về tinh thần nhiều hơn tất cả các nước có thu nhập cao cộng lại. “Gánh nặng tinh thần” sẽ trở nên nặng nề hơn trong những thập kỷ tới, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi số người mắc các bệnh tâm thần sẽ tăng khoảng 1/4 đến năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của bệnh mất trí nhớ ở nhóm đối tượng dân số già.
Một bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện ở Ấn Độ. |
Tuy nhiên, cả 2 nước này đều chưa có sự chuẩn bị tốt để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tại Trung Quốc, chỉ có 6% người gặp vấn đề về tâm thần như trầm cảm, rối loạn suy nghĩ, mất trí và lạm dụng thuốc an thần tìm đến bác sĩ. “Việc thiếu hụt nhân lực trong ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần ở khu vực nông thôn là đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ Michael Phillips, một trong những người thực hiện nghiên cứu cho biết.
Hơn một nửa trong số những người bị rối loạn tâm thần toàn diện như tâm thần phân liệt không được chẩn đoán, ông nói. Ngược lại, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tại các nước giàu luôn ở mức 70% trở lên. Sự phân bổ ngân sách giữa y tế các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi cũng có sự chênh lệch không kém. 2 quốc gia này chi chưa đến 1% ngân sách y tế quốc gia ở cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tại Mỹ con số này là gần 6%, trong khi ở Đức và Pháp đã tăng lên đến 10%. Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đã thực hiện các chính sách tiến bộ nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh, nhưng các nghiên cứu dự báo có thể mất nhiều năm, các chính sách này mới phát huy hiệu quả.