Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh nặng xuất khẩu dệt may cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xuất khẩu (XK) dệt may từ đầu năm đến nay rất khả quan với kim ngạch trên 10 tỉ USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái trên 30%. Dự báo mục tiêu 13 tỉ USD cho cả năm là trong tầm tay, thậm chí có thể chạm ngưỡng 14 tỉ USD.

Mặc dù vậy, DN trong ngành đang rất lo về tình hình XK cuối năm bởi những yếu tố mới phát sinh từ thị trường.

Rào cản từ thị trường

Ngay thời điểm này, nhiều DN nhất là DN vừa và nhỏ ngành dệt may đang thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong đó, thị trường Mỹ lớn nhất chiếm 1/2 tổng giá trị XK, cũng được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng chính sách thắt chặt tiền tệ sau khi bỏ trần nợ công, tăng trưởng kinh tế nước này không có dấu hiệu khởi sắc đẩy nhiều DN XK trong nước trước nguy cơ mất dần đơn hàng từ khách hàng truyền thống, ngay cả đơn hàng đã ký cũng có thể bị giảm sản lượng. Giám đốc một DN dệt may ở Hà Nội chuyên XK sang Mỹ than phiền, dù chưa có hợp đồng nào bị hủy nhưng đã có đối tác đề nghị giảm lượng hàng đã đặt.Suy giảm kinh tế của một số nước châu Âu thời gian qua cũng gây ảnh hưởng đến nhiều DN dệt may. Hai thị trường chính gặp khó khiến kim ngạch XK từ tháng 9 chỉ còn 1 tỉ USD, là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), điều này khiến XK dệt may cuối năm có thể giảm tới 10 - 15% so với đầu năm và khó giữ được mức tăng đều trên 30%/tháng như chín tháng qua.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may VN cho biết, tuy đã vào thời điểm đặt hàng cho vụ Xuân Hè năm sau nhưng lượng đơn hàng nhận được ở nhiều DN đã giảm 10 - 15% so với cùng kỳ, thị trường đang có tín hiệu trì trệ trong việc đặt hàng mới cho quý I, II/2012. Theo đại diện Công ty CP may Hưng Yên, thông thường tại thời điểm này, DN đã đủ đơn hàng cho tháng cuối năm và hai tháng đầu năm sau, song hiện đơn hàng cho tháng 12/2011 vẫn thiếu. Không những thế, khách hàng còn chưa chốt mã hàng sẽ sản xuất với đơn hàng đã ký, nên có tình trạng nguyên liệu đã về mà DN chưa biết có sản xuất khôngBộ Công Thương nhận định, tới đây Mỹ vẫn là thị trường cốt lõi để DN dệt may đầu tư, cùng với EU, Nhật Bản, Nga và Trung Đông. Song song với nhanh nhạy nắm bắt thị trường và tỉnh táo để không bị nhà NK ép giá, DN cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, đồng thời chú trọng đầu tư sản xuất hàng FOB nhằm tăng sức cạnh tranh.

Gánh nặng đầu vào

Bên cạnh thách thức mới từ thị trường NK, nhiều DN dệt may đang gặp khó, do giá cả tiếp tục tăng, phần lớn doanh thu phải dành để nhập nguyên phụ liệu và chi phí đầu vào, trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn cao. Dù giá đơn hàng đã tăng 10% - 15% so với năm 2010 nhưng nhiều chi phí đã tăng 2 - 3 lần so với trước. Mặt khác, lương công nhân chiếm tới 65% trong cơ cấu giá thành may gia công, nên những đơn vị có hàng nghìn lao động đang phải gồng mình để lo đủ chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hơn thế là bài toán lương thưởng cuối năm..

Ngoài ra, DN dệt may XK còn đang đứng trước khó khăn do biến động nguồn lao động vốn luôn thiếu hụt, cho dù từ đầu năm đến nay đã nỗ lực ổn định đời sống cho công nhân. Để giảm thiểu tối đa rủi ro, Vitas vẫn đang khuyến cáo DN tăng cường ổn định nguồn lao động bằng chế độ lương phù hợp và duy trì tối đa chính sách phúc lợi. Về phía DN, họ vẫn đang mong chờ Nhà nước đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn thiết thực nhất.