Thiếu gạo mua tạm trữ hay thiếu cơ chế?
Để đảm bảo an ninh lương thực, theo kế hoạch Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục dự trữ nhà nước mua tạm trữ thêm 190.000 tấn gạo cho dự trữ năm 2020.
Đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã trúng đấu thầu cung ứng 190.000 tấn gạo cho dự trữ. Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều doanh nghiệp thắng thầu nhưng tự ý hủy, hoặc không đến ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ nhà nước. Trong số này có không ít doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đến nay, Tổng Cục dự trữ nhà nước chỉ mới thực hiện vỏn vẹn được 7,7 nghìn trong tổng số 190.000 tấn gạo cần dự trữ.
Nhiều doanh nghiệp đã “xù” kết quả trúng thầu như là Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty CP Lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Mỹ Tường, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, Công ty CP Lương thực Yên Bái, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty TNHH XNK Lương thực Bình Minh Hai, Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh…
Khi chuẩn thuận đề xuất của Bộ Công thương cho phép xuất khẩu gạo trở lại 400.000 tấn gạo trong tháng 4, Thủ tướng cũng đồng thời chỉ thị phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước thủ tướng. Thủ tướng cũng chỉ thị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan mua đủ lượng gạo dự trữ năm 2020 như kế hoạch đã phê duyệt, đồng thời nghiên cứu mua thêm mức dự trữ nếu cần thiết.
190.000 tấn gạo trúng thầu tạm trữ quốc gia doanh nghiệp không giao, nhưng ngay khi Thủ tướng chuẩn thuận đề xuất của Bộ Công Thương lại thấy không ít doanh nghiệp “nhảy” vào mở tờ khai xuất khẩu. Hải quan đã phát hiện có đến 27 doanh nghiệp trúng thầu nhưng không thực hiện bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Vậy tạm trữ cho an ninh lương thực với xuất khẩu, đâu là nhiệm vụ chính trị hàng đầu? Câu hỏi gần như đã có lời giải.
Nhiều người bức xúc đặt ra câu hỏi khác: Có phải vì lợi ích của mình mà các công ty hủy bán gạo cho dự trữ quốc gia, nhưng Bộ Công thương vẫn đề nghị xuất khẩu? Và không quên đề nghị chính phủ vào cuộc, đồng thời xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương... Bàn về giá trị đạo đức trong kinh doanh, có người nói đạo đức kinh doanh ngoài tính trung thực và sự tôn trọng con người; còn là tính trung thực đòi hỏi người kinh doanh không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp, doanh nhân phải giữ chữ tín trong quan hệ, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết.
Nhìn từ phía khác, có chuyên gia cho rằng, do các doanh nghiệp trúng thầu dự trữ phụ thuộc quá lớn vào việc nhập gạo từ thương lái. Khi thị trường diễn biến bất thường, họ không mua được gạo.
Cũng có hiện tượng thương lái, móc nối với doanh nghiệp gạo ghìm giá, giữ gạo chờ tăng giá, hoặc chờ bán cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp chấp nhận bị mất tiền bảo lãnh thầu hoặc tiền phạt để bán cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Trong khi Bộ Y tế không mua được khẩu trang dự trữ chống dịch, nhiều doanh nghiệp lại thu gom, xuất khẩu lậu hàng triệu chiếc - Ảnh: QLTT |
Có thật sự thiếu khẩu trang?
Khi Thủ tướng công bố Covid-19 là bệnh dịch trên cả nước, hành vi giữ gạo chờ tăng giá, hoặc chờ bán cho xuất khẩu, liệu có dấu hiệu hình sự về tội đầu cơ?
Từ gạo nhìn sang chiếc khẩu trang. Mặc dù Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đề xuất và Thủ tướng giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu để đảm bảo đủ 30 triệu khẩu trang dự trữ, nhưng mãi đến nay dường như việc tìm mua dự trữ này chưa thực hiện được vì ít người bán.
Tính từ thời điểm khi xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 đợt 2 (ngày 6/3) đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hàng triệu chiếc khẩu trang do xuất khẩu lậu, hoặc vi phạm trật tự thị trường trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng hai tháng lực lượng Quản lý thị trường đã bắt giữ hơn 3,1 triệu chiếc.
Chúng ta đang thiếu nguồn cung, hay thiếu chính sách thực thi an ninh khẩu trang?
Trong khi thông tin cho thấy, 400 triệu khẩu trang y tế là số lượng trong đơn hàng Tổng công ty May 10 vừa ký với đối tác giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng đã xuất những lô hàng khẩu trang đi châu Âu gần một tháng nay. TNG còn tiết lộ kế hoạch sản xuất khẩu trang y tế từ trung tuần tháng 5. Dây chuyền, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế đã được TNG nhập và sẽ về nhà máy trong 40 ngày nữa.
Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 nói rõ, doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu tối đa 25% sản lượng, phần còn lại phải dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước. Đến nay, chưa biết các Bộ ngành chức năng đã thống kê có bao nhiêu khẩu trang y tế đã xuất khẩu, để biết số lượng đã dành cho trong nước là bao nhiêu.
Lâu nay đã có không ít doanh nghiệp tung hô hình ảnh, thương hiệu với các giải này thưởng nọ, chỉ khi đất nước lâm vào đại dịch mới thấy đâu là giá trị thật của những hình ảnh này. Hãy làm đi, xin đừng tự tung hô nữa.
Chỉ sau mười ngày tuyên bố, Vingroup đã dừng mọi hoạt động sản xuất tại VinFast, VinSmart và những chiếc máy thở phục vụ điều trị cho cho bệnh nhân đã được chuyển giao cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19. Đó mới thực sự là hình ảnh thương hiệu vì cộng đồng để các doanh nghiệp, ít ra là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo học tập.