Cũng trong ngày 7/3, các bác sĩ bệnh viện E đã tiến hành hội chẩn thêm 4 trường hợp khác đẻ có thể tiếp tục phẫu thuật bằng kỹ thuật này vào thời gian tới.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch của bệnh viện, đây là kỹ thuật lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện do các bác sĩ Trung tâm tim mạch Bệnh viện E thực hiện dưới sự hõ trợ của giáo sư Nhật Bản Ozaki. Gs.Ozaki là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tim ở Bệnh viện Đại học Toho (Tokyo – Nhật Bản).
Trước đó, bệnh nhân Bùi Văn Nhiền được phát hiện mắc bệnh hở van động mạch chủ (tức là van động mạch chủ không đóng kín) trước khi tiến hành mổ 8 năm. Anh rất hay mệt mỏi, khó thở mỗi khi chiều tối. Anh đã đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ đều chỉ định phải tiến hành mổ thay van tim bằng van tim cơ học. “Khoảng thời gian đó, tôi đi khám ở viện nào cũng gặp tình trạng quá tải bệnh viện và phải chờ đợi lâu. Khi tôi tới Bệnh viện E, tôi đã không phải chờ đợi. Sau phẫu thuật, tôi rất khỏe, tôi vẫn chơi thể thao, đánh cầu lông hàng ngày. Tổng chi phí ca phẫu thuật của tôi khoảng 120 triệu đồng” – anh Nhiền cho biết.
Theo GS. Thành, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hở van động mạch chủ. Nguyên nhân phổ biến nhất là do di chứng của thấp tim, chiếm tới 75% các trường hợp. Ngoài ra còn có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh van động mạch chủ bẩm sinh, viêm cột sống dính khớp, bệnh giang mai, lupus ban đỏ hệ thống, chấn thương...Bệnh hở van động mạch chủ mạn tính thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì bởi trong giai đoạn này, tim vẫn còn cơ thế tự bù trừ để chống lại các rối loạn. Chỉ tới khi chức năng thất trái suy giảm, tâm thất trái giãn nhiều, phân suất tống máu giảm thì người bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng và khi đó, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở khi nằm, cơn khó thở kịch phát về đêm, cảm giác đau thắt ngực và cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ. Đáng ngại nhất là trong trường hợp hở van động mạch chủ nặng và đã có triệu chứng, người bệnh sẽ dễ bị đột tử do các rối loạn nhịp tim liên quan tới phì đại và rối loạn chức năng thất trái.
GS. TS Lê Ngọc Thành cũng cho biết, bệnh nhân hở van động mạch chủ vừa hoặc nặng được điều trị nội khoa thường có tỷ lệ sống sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 50%. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật hoặc cải tiến kỹ thuật mổ. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc, hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật hoặc cải tiến kỹ thuật mổ. Mặc dù thuốc có thể giúp cải thiện phần nào tiên lượng sống nhưng đó chỉ là giải pháp để trì hoãn thời gian mổ.