Người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân bồi hồi đọc lại bức thư anh viết cho gia đình tại chiến trường. |
Những lá thư viết vội
Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước kết thúc, hơn 40 năm sau, người đương thời mới có dịp đọc những lá thư tràn ngập tình yêu cuộc sống của các chiến sĩ đối mặt với bom đạn ngoài mặt trận. Những lá thư thời chiến được viết trên những trang sổ tay xé vội, trên những vỏ bao thuốc lá, một mảnh khăn, một đôi tất, những gấu áo đã hoen màu. Những lá thư đó được cất kỹ dưới đáy ba lô, chưa kịp gửi về hậu phương.Trong lá thư cuối cùng của liệt sĩ Hoàng Kim Giao gửi người thân trước khi hy sinh có đoạn viết: “Ở đây có những quãng đường chỉ 2km, mà địch đã thả xuống 5.000 quả bom, đạn. Ở đâu có những đội Thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu ngần ấy quả bom quả đạn. Ở đây chuyện sống chết không phải định ra bằng ngày mà từng giờ.
Chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng không thể hủy diệt được tình cảm ý chí con người”. Và rồi như một lời tiên tri bi tráng, thân xác của Giao cùng 2 đồng đội của anh đã hòa tan vào đất mẹ sau tiếng nổ định mệnh của quả bom từ trường.Trong số hàng ngàn vạn cuốn nhật ký thời chiến được lưu giữ lại, có cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hai cuốn nhật ký đã cho thấy những suy nghĩ và ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi trận chiến diễn ra, người lính đã lường trước được nguy hiểm và cái chết.
Bởi thế mà trong nhiều lá thư đều toát lên sự hồn nhiên, thanh thản đến kỳ lạ của một thế hệ chiến sĩ khi ra trận. Họ luôn lạc quan dù phải đối diện với các chết bất cứ lúc nào, dù sốt rét dai dẳng, thiếu thốn mọi bề, họ vẫn cố gắng làm an lòng hậu phương... Tình nguyện hiến tặng hiện vậtTrong những bức thư còn sót lại của các chiến sĩ thời đó, không khó để đọc được những trang thư rạo rực tình yêu. Những dòng chữ ngay ngắn, nắn nót động viên vợ con, người yêu yên tâm học tập công tác, chăm lo gia đình, ẩn chứa trong đó là tình yêu mãnh liệt, niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng để được đoàn tụ.
Chiến tranh là đau thương mất mát, nhưng ở đó có cả những tình yêu thiêng liêng và cao đẹp. Tình yêu đó được nối dài từ chiến trường này sang chiến trường khác, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có mặt tại triển lãm, bà Trần Thị Minh (quận Thanh Xuân) – bạn gái năm xưa của liệt sĩ Đỗ Đình Xô chia sẻ: Lúc đó, nguyện vọng của người lính rất cao cả, luôn đặt trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc lên hàng đầu. Họ đã ra đi và để lại nỗi nhớ thương của người ở lại. Cho dù rất trân trọng lá thư của liệt sĩ Đỗ Đình Xô nhưng bà Trần Thị Minh vẫn bỏ qua mong muốn sở hữu cá nhân, gửi đến bảo tàng những lá thư ông gửi cho bà.Đến với triển lãm, những người mẹ, người anh hay bạn gái, người thân của các liệt sĩ vẫn không khỏi rơi nước mắt khi đọc lại những lời tâm sự còn ghi dấu lại trong trang viết. Họ đã nguyện hiến tặng các hiện vật là những lá thư, nhật ký của người lính cho bảo tàng để lưu giữ, giới thiệu đến công chúng những góc nghĩ đời thường nhất của người lính. Triển lãm kéo dài đến 15/5/2018.