Gặp mặt gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ có lượng tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến tiểu cầu nên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh/TP khu vực phía Bắc.

Ngày 15/1, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 với thông điệp “Giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng”.

Chương trình nhằm tri ân những đóng góp quý báu, những giá trị tuyệt vời của những người hiến tiểu cầu với sự sống của người bệnh trong năm 2021 đầy khó khăn và biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giao lưu, gặp mặt những người hiến tiểu cầu tiêu biểu 2021.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giao lưu, gặp mặt những người hiến tiểu cầu tiêu biểu 2021.

Tham dự chương trình có gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên - những người đã thầm lặng, bền bỉ vượt qua đại dịch, dành thời gian hàng tiếng mỗi lần đi hiến tiểu cầu để chia sẻ với người bệnh. Nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 60, 70, 80, thậm chí hơn 100 lần. Trong đó, riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2021 có người đã đạt 17 lần.

TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm máu Quốc gia cho biết, khác với những thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng người bệnh.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 - 5 ngày). Trên thực tế, có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu. Có thể kể đến các bệnh như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường.
Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường.

Để có được tiểu cầu truyền cho người bệnh, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 - 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, các Trung tâm máu lớn đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Những năm gần đây, hình thức hiến thành phần máu này càng trở nên phổ biến hơn, lượng người hiến tiểu cầu liên tục gia tăng. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà không phải Trung tâm máu nào cũng thực hiện được.

Hiện nay tại Việt Nam, chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được hoạt động này. Thiết bị gạn tách đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện kỹ thuật, chất lượng đơn vị tiểu cầu và hiệu suất công việc.

Hiến máu toàn phần là toàn bộ máu hiến sẽ được lấy vào một túi trữ có đựng sẵn chất chống đông và bảo quản, sau đó mới điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau. Còn hiến tiểu cầu sẽ sử dụng một bộ gạn tách riêng, toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 - 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2 - 3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Tình nguyện viên hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Tình nguyện viên hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến đã được triển khai từ năm 2000 với số lượng chỉ 10 đến vài chục đơn vị tiểu cầu tiếp nhận được mỗi năm. Trong giai đoạn 2000 - 2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị tiểu cầu gạn tách, con số này ở giai đoạn 2010 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng gấp 20 lần so với 10 năm trước đó).

Riêng năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến, trong đó 65% là hiến tình nguyện, có nhiều người đã đều đặn hiến tiểu cầu hàng tháng. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn. Nhờ có lượng tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến tiểu cầu nên Viện đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh/TP khu vực phía Bắc.

Trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu, có những người cả gia đình 2 thế hệ cùng tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, vận động người thân, họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia. Có những người vừa mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc trở về; có người ở độ tuổi đã ngoại ngũ tuần cũng có những bạn sinh viên vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường đại học… Mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần