Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Gặp nhau cuối năm” xuân Canh Tý 2020: Có thực sự là bữa tiệc tất niên?

Vĩnh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20 giờ đêm 30 Tết (24/1/2020), chương trình “Gặp nhau cuối năm” xuân Canh Tý 2020 chính thức lên sóng, dù phản ánh được những sự kiện nóng của xã hội trong 1 năm qua. Tuy nhiên, chương trình không những chưa thực sự đặc sắc mà còn nhàm chán, dường như chưa thể thay thế được chương trình Táo quân.

Nhàm chán và không hấp dẫn
"Gặp nhau cuối năm 2020" dẫn dắt khán giả qua câu chuyện về cả làng Vũ Đại thời hội nhập, với mong muốn thúc đẩy du lịch để làm kinh tế, thay đổi bộ mặt phát triển của làng quê. Người làng là những nhân vật quen thuộc bước ra từ các tác phẩm văn học, điển tích sân khấu như Lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Mõ...
Chương trình ''Gặp nhau cuối năm'' xuân Canh Tý 2020 được cho là nhàm chán.
Chương trình được chia làm những hoạt cảnh khác nhau, ở hoạt cảnh đầu tiên màn thể hiện được nhấn bằng phần âm nhạc với những “giọng ca vàng” như nghệ sĩ Xuân Hinh (Chí Phèo). Trong đó, cả làng đều tập trung vào việc phát triển văn nghệ để thu hút khách du lịch đến với “Vũ Đại homestay”.
Ngoài ra, màn đấu khẩu giữa anh Nô (NSƯT Tự Long) và Chí Phèo tạo nên sự kịch tính khi mong muốn Lão Hạc đầu tư cho cá nhân. Bên cạnh đó, anh Nô cũng không nhận được sự ủng hộ của chính vợ mình: “Cụ lên lấy tiền làng tài trợ cho con mở liveshow” nhưng anh Nô không nhận được sự ủng hộ của mọi người và quay ra bày mưu chọc Chí Phèo.
“Tao đã trở thành người lương thiện, nhưng mày không cho tao thành người lương thiện. Chúng mày chọc tao, chạm vào máu nóng của tao” - Chí Phèo nổi nóng khi bị anh Nô chọc ngoáy.
Hoạt cảnh thứ 2 được mở ra với sự xuất hiện của NSƯT Chí Trung trong vai nhà truyền thông “ngàn like Vlog” (đáp ứng nhu cầu của Lão Hạc muốn quảng bá làng Vũ Đại) với những tiêu chí lạ.
Việc xuất hiện của ông vua truyền thông “ngàn like Vlog” chính là điển hình của câu chuyện truyền thông “Bà Tân Vlog”. Cùng với đó là những xu hướng của nhiều trang tin, mạng xã hội hiện nay như giật tít câu view, không đi đúng với báo chí.
Trước thắc mắc về việc giật tít câu view của cả làng Vũ Đại, nhóm truyền thông “ngàn like Vlog” đã lý giải rất rõ ràng: “Muốn có tin trên mạng, phải thật nhiều trò nhố nhăng, bất chấp luôn dư luận, chỉ cần người xem cãi nhau, “con sét” tăng cao, tăng cao thì mới nổi tiếng. Nhiều clip nội dung tào lao, được lớp trẻ suy tôn. Ví như cùng câu view bắt giết động vật quý, nấu món ăn độc lạ, để cho người xem thích mê. Cùng câu view đi, up lên lên youtube, livestream trên mạng, nhiều khi biết làm màu, bất chấp nội dung là giàu”.
Với những chiêu trò để kêu gọi người làng Vũ Đại ủng hộ nhưng không được, ông hoàng truyền thông lại chuyển sang bán dạo online kêu gọi cộng đồng like và share. Những hình thức mà nhiều người dân bị lừa bởi bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó”. Tuy nhiên, một lần nữa ông hoàng truyền thông lại thất bại trước sự nghiêm nghị của Lão Hạc.
Ở hoạt cảnh thứ 3, nhân vật Xuân tóc đỏ với sự thể hiện của NSƯT Xuân Bắc, sự xuất hiện của Xuân tóc đỏ tạo nên một không khí mới của chương trình. Mở màn trình diễn của mình, Xuân tóc đỏ nhắc đến việc bắt buộc lãnh đạo phải học ngoại ngữ.
Xuân Bắc và Thanh Thanh Hiền sánh vai trong chương trình.
Sự khác biệt của Xuân tóc đỏ sau một thời gian đi vắng khỏi làng khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là sự “cách tân” của Xuân tóc đỏ. Cùng với sự xuất hiện của Xuân tóc đỏ chính là nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong vai Phó Đoan - chồng của Xuân tóc đỏ. Điều này khiến Lão Hạc, Thị Mầu quá già. Phần lớn ở hoạt cảnh này được Xuân tóc đỏ bày tỏ việc muốn thay đổi bộ mặt của làng.
Sự nhàm chán ngày càng được thể hiện rõ ở phần cuối của chương trình khi ca nhạc, nhảy múa và biểu diễn ảo thuật không hấp dẫn thậm chí có thể nói là gây phản cảm. Và sự đấu tranh lòng vòng ở phần cuối chương trình mất khá nhiều thời gian.
"Rổ sạn" trên sóng truyền hình
Phải nhắc lại rằng, Chương trình Gặp nhau cuối năm được phát trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đặc biệt hơn được phát sóng ở thời điểm cuối cùng của năm Kỷ Hợi, khi người người nhà nhà chuẩn bị bước sang năm mới Canh Tý 2020. Sự kỳ vọng của mỗi người dân là điều dễ hiểu khi mong muốn có một chương trình nghệ thuật đặc sắc vào những những giấy phút cuối của năm.
Hơn thế, khi mà món ăn tinh thần “Táo quân” đã không còn thì chương trình “Gặp nhau cuối năm” lại nhận được sự kỳ vọng lớn lao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu như với phần mở đầu có thể nói là thu hút được người xem thì càng về sau lại có nhiều “sạn”.
 
Đầu tiên phải nói là thất bại của nhân vật Chí Phèo do nghệ sĩ Xuân Hinh đảm nhiệm. Có thể đồng tình với việc lấy hình tượng Chí Phèo “rạch mặt ăn vạ” để làm điểm nhấn với việc chửi đời, chửi trời, chửi đất… nhưng việc lạm dụng thái quá lại dẫn đến phá vỡ hình ảnh của nhân vật kinh điển trong văn học Việt Nam. Những câu chửi tục tỉu được “văng” trên sóng một cách ngẫu nhiên có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục trẻ nhỏ khi theo dõi chương trình.
Sự tục tĩu và mâu thuẫn còn được thể hiện rõ qua các lời thoại của nhân vật. Thậm chí nhân vật Lão Hạc còn phải thốt lên. “Hay thì hay thật nhưng nó hổ lốn như thế nào ấy, nó không còn là làng mình nữa”.
Ngoài ra, việc Xuân tóc đỏ ví Lão Hạc là “chó” đã tạo nên sự phẫn nộ, hay việc đấu khẩu giữa các nhân vật tạo nên sự phản cảm cho người xem. Những hành động, lời nói thô tục đã tạo nên sự thất bại thực sự cho chương trình. Ở phần cuối chương trình hay cùng sự xuyên suốt, hình ảnh Chí Phèo luôn mang đến sự phản cảm khi có những lời nói không đúng với chuẩn mực xã hội.
"Gặp nhau cuối năm 2020" khép lại, không những không làm thỏa mãn khán giả vì sự đổi mới với những điều hay, hấp dẫn hơn; mà còn khiến người xem ngày càng thất vọng, muốn rời bỏ sóng truyền hình.