Trắng đêm chống hạn
Dù đã 23 giờ đêm nhưng tại Trạm bơm Vĩnh Phúc (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), tiếng động cơ máy bơm vẫn vang lên không dứt. Những ngày qua, cán bộ, công nhân viên, người lao động tại trạm được phân công, tổ chức ứng trực 24/24 giờ để vận hành các tổ máy phục vụ lấy nước.
Theo thông báo của Bộ NN&PTNT, đợt lấy nước thứ 3 phục vụ sản xuất vụ Xuân 2020 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/2 và kết thúc lúc 24 giờ này 21/2/2020 (tổng cộng 3 ngày). Trong thời gian trên, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây (Hà Nội) sẽ được duy trì ở mức +1,5m trở lên. |
Trạm trưởng Trạm bơm Vĩnh Phúc Ngô Quang Minh cho biết, không chỉ trong đợt lấy nước thứ hai vừa qua, mà kể cả trước, trong và sau dịp nghỉ Tết Canh Tý 2020, cán bộ, công nhân viên, người lao động tại trạm cũng nhận nhiệm vụ túc trực liên tục để vận hành các tổ máy bơm chống hạn.
Tương tự, tại Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), từ tháng 1/2020 đến nay, hàng chục nhân công vẫn ngày đêm túc trực, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước sông Hồng để vận hành 30 tổ máy bơm dã chiến. Đây là trạm bơm có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đảm nhận nhiệm vụ chống hạn cho trên 6.200ha cây trồng vụ Xuân hàng năm. Không chỉ tại hai trạm bơm Vĩnh Phúc và Phù Sa, nhiều ngày qua, hàng trăm trạm bơm khác trên địa bàn Hà Nội cũng được các DN thủy lợi vận hành tối đa công suất, tập trung lấy nước, trữ nước vào hệ thống ao hồ, kênh mương...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, cùng với nguồn nước bổ sung, đơn vị cũng chủ động lấy nước từ các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn phụ trách, bảo đảm không để thiếu nước sản xuất vụ Xuân.
Không để phát sinh thời gian lấy nước
Nhờ sự vào cuộc chủ động của các DN thủy lợi, công tác lấy nước vụ Xuân 2020 của Hà Nội đã đạt được kết quả rất tích cực. Đến nay, diện tích canh tác của Hà Nội đã có nước đạt khoảng 85% kế hoạch gieo cấy.
Mặc dù vậy, tỷ lệ lấy nước của Hà Nội hiện không đồng đều giữa các địa phương. Trong khi nhiều quận, huyện đã lấy đủ nước như: Đan Phượng, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, thì diện tích có nước của nhiều địa phương còn thấp dưới 75% như: Gia Lâm, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì.
Cùng với lấy nước, Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã vận động nông dân tích cực xuống đồng sản xuất. Đến nay, diện tích làm đất đã đạt khoảng 71% kế hoạch. Bà con cũng đã tổ chức gieo cấy được khoảng 26% tổng diện tích vụ Xuân 2020.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, qua thực tế điều hành và trên cơ sở các tỉnh, TP khác thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã cơ bản lấy đủ nước, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh thời gian lấy nước theo hướng tiết kiệm nguồn nước xả. Chính vì vậy, các DN thủy lợi cần tranh thủ nguồn nước xả từ các hồ chứa, vận hành tối đa các trạm bơm để lấy nước vào hệ thống kênh mương, ruộng đồng…
Để công tác lấy nước đạt hiệu quả cao, vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đôn đốc công tác chống hạn, trong đó lưu ý, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ lấy nước, bảo đảm 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch có nước sản xuất, tránh phát sinh yêu cầu bổ sung nước ngoài kế hoạch. Bên cạnh đó, vận động, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên đồng ruộng, chống thất thoát nguồn nước cho những diện tích đã được cấp đủ nước gieo cấy vụ Xuân.