Gấp rút xây dựng khung pháp lý cho vay ngang hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 và hiện có khoảng 100 công ty. Khó có thể phủ nhận tính tiện lợi của hình thức P2P đang được áp dụng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhưng để loại hình này phát huy được hiệu quả, Chính phủ cần sớm có khung pháp lý để quản lý hoạt động vay và cho vay, cũng như những công ty trung gian nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro đổ vỡ.

Lúng túng trong quản lý, P2P biến tướng
Hiểu một cách đơn giản, P2P cho phép các cá nhân có thể vay tiền trực tiếp từ các cá nhân khác dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến mà không cần phải có vai trò của các trung gian tài chính, ví dụ như ngân hàng (NH). Bản chất của P2P không xấu, nhưng trong quá trình hoạt động xuất hiện sự biến tướng, khá nhiều công ty núp bóng loại hình này để hợp thức hóa hình thức tín dụng đen.

Bộ KH&ĐT cảnh báo, hoạt động P2P bị biến tướng chủ yếu do người Trung Quốc điều hành, không đặt máy chủ tại Việt Nam nên khó kiểm soát rủi ro. Đặc biệt các công ty Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam khi bị thắt chặt quản lý trong nước. Trong đó, có công ty P2P sau 3 năm hoạt động có tới 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay.
 Cần có khung pháp lý để hoạt động cho vay ngang hàng được đi vào khuôn khổ. Ảnh: Công Hùng
Theo Bộ Công an, các công ty P2P hoạt động biến tướng, không đúng bản chất là kết nối người cho vay với người vay. Một số công ty P2P lách luật thu thêm phí dịch vụ, nâng lãi suất lên tới 700%/năm. Với hoạt động cho vay trực tuyến, lực lượng công an đã lập danh sách theo dõi 25 website hoạt động quảng cáo, mời đánh bạc, huy động vốn liên quan đến tín dụng đen, đồng thời bắt giữ 114 đối tượng liên quan.

Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động này nên không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính). Một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình P2P để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (rửa tiền, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, đa cấp…). Bên cạnh đó, sự xuất hiện và phát triển nhanh của P2P đang khiến các cơ quan Nhà nước đối mặt với khó khăn trong công tác quản lý, giám sát để phòng chống nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố. Ngoài ra, lĩnh vực này cũng có rủi ro về thuế và ngoại hối cho cơ quan quản lý khi người tham gia giao dịch là người không cư trú tại Việt Nam.

Hệ thống quản trị rủi ro, hàng rào an toàn cho P2P

Ngân hàng Nhà nước hiện đang dự thảo quy định cơ chế thử nghiệm đối với 7 lĩnh vực fintech, bao gồm cả P2P, để trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến năm 2021 sẽ chạy thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1 - 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, 1 số DN cho rằng, dự thảo hiện vẫn còn chung chung.

Các chuyên gia kỳ vọng, cơ quan quản lý sẽ có những quy định để xử lý tình trạng các công ty thành lập với mục đích tư vấn tài chính, nhưng lại cho vay ngang hàng. Đồng thời, khi cho vay lẫn nhau, vấn đề trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên, phương pháp trả nợ cũng cần cụ thể hóa để khi xảy ra vi phạm, tòa án có cơ sở để xử lý. Hiện ở các nước, các nền tảng cho vay ngang hàng đều chịu quản lý giống như các trung gian dịch vụ tài chính khác về bảo vệ nhà đầu tư, yêu cầu về thanh khoản, vốn và quản lý rủi ro.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước hết là DN P2P phải đăng ký là hình thức kinh doanh có điều kiện, được cơ quan quản lý cấp phép, phải khai báo chính xác nguồn gốc vốn đầu tư, phòng ngừa rửa tiền và đầu tư nước ngoài trái phép... Không chỉ cấp phép, cơ quan quản lý còn giám sát kiểm tra như thực hiện đối với các tổ chức tín dụng. Còn nếu phát hiện đối tượng cá nhân, công ty nào tham gia P2P không có giấy phép, hoạt động trá hình phải được xử lý rất nghiêm, có thể hình sự hóa truy tố nếu phạm luật ở mức độ cao... Đồng thời, cơ quan quản lý cần kiểm soát các rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin; sử dụng trái phép thông tin cá nhân…

Ngoài ra, NHNN có thể bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không để cho vay với mức phù hợp.

"Hiện tại, trong khi cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu cơ chế thử nghiệm, người dân nên hạn chế hoặc tốt nhất nên chờ có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động P2P. Những trường hợp tiếp cận hình thức vay này cần phải xem xét chủ thể nào cho vay, ghi rõ quy định cam kết trên hợp đồng, lưu ý thỏa thuận cụ thể về lãi suất, thời gian vay, lãi suất phạt, lãi suất phạt quá hạn để tránh những rủi ro không đáng có. " - TS Cấn Văn Lực

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần