Gara ngày mở cửa trở lại: Vơi đi nỗi lo “cơm áo gạo tiền“

Thành Luân/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách tại 19 quận, huyện, thị xã, người dân tranh thủ mang xe máy, ô tô đi sửa và bảo dưỡng sau thời gian không sử dụng. Việc được hoạt động trở lại khiến nhiều ông chủ gara phần nào vơi đi nỗi lo về "cơm áo gạo tiền".

Nhiều gara ô tô, cơ sở sửa chữa phục vụ hết công suất trong những ngày đầu được mở cửa trở lại.
Khách xếp hàng dài chờ sửa xe
Ngay sau thời điểm UBND TP Hà Nội quyết định nới lỏng và cho phép hoạt động một số dịch vụ thiết yếu, trong đó có sửa chữa phương tiện giao thông, phần lớn gara ô tô trên một số quận, huyện “vùng xanh” đã mở cửa trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều gara trên địa bàn TP, ô tô chờ sửa xếp hàng dài ra tận cửa, còn đội thợ luôn tay luôn chân. Tình trạng chung của các xe ô tô ở đây chủ yếu là lỗi ắc quy, hệ thống điện và lốp xe.
Anh Phạm Nam Long (trú tại quận Cầu Giấy) cho biết, chiếc bán tải mang thương hiệu Nissan của anh đã phải “nằm im” ở bãi xe kể từ thời điểm TP thực hiện thắt chặt giãn cách xã hội. Công việc của anh chuyển sang làm online và không ra ngoài trong thời gian giãn cách.
“Sau khi có thông báo nới lỏng, đến buổi chiều tôi mới ra bãi kiểm tra xe thì thấy lốp xe đã xẹp, ngoài ra xe rất khó khởi động, điều hòa cũng không còn mát nữa”, anh Long cho hay.
Ngay khi biết tin các cơ sở sửa chữa ô tô được mở cửa, anh Long đã gọi điện cho một gara "ruột" nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc và được hẹn sẽ đưa xe về xưởng để sửa vào sáng hôm sau. Khi anh đưa được xe của mình đến gara thì nơi đây trong tình trạng gần như "quá tải", xe của anh phải đợi hơn 1 tiếng sau mới đến lượt.
 Những xe đến kiểm tra, phổ biến nhất là vấn đề về lốp, ắc-quy, hệ thống điện và dịch vụ làm sạch nội ngoại thất.

“Xe tôi phải vá lốp, thay ắc-quy và vệ sinh điều hòa. Có lẽ trong thời gian giãn cách, rất nhiều xe bị trục trặc mà không có chỗ sửa nên khi nới lỏng thì ai cũng nhanh chóng "đánh" xe đến ngay gara để kiểm tra”, anh Long chia sẻ.
Giống như anh Long, chiếc xe Mazda 3 của anh Đinh Sơn Tùng (trú Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) gần như không sử dụng, “đắp chiếu” suốt 2 tháng qua. Dù đã đỗ xe ở một vị trí khá cao ráo, thoáng mát gần nhà nhưng hôm qua khi anh ra kiểm tra khởi động xe, thì phát hiện đã bị chuột cắn đứt dây.
Nội thất xe cũng bị những “vị khách không mời” thản nhiên "phóng uế", tha đủ mọi loại rác vào cabin, khi mở xe mùi bốc lên nồng nặc. Anh Tùng chỉ có thể vệ sinh tạm thời, xong gọi cứu hộ đến để đưa xe mình đến gara.
Thiếu thợ, thiếu đồ nghề
Anh Dương Trung Kiên - chủ gara ô tô tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) đã rất vui mừng khi được phép mở cửa sau thời gian giãn cách. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại một gara ô tô lại không đơn giản chút nào.
Theo anh Kiên, hơn nửa số thợ “cứng” tại gara anh đã về quê ngay khi Hà Nội giãn cách xã hội, nay được mở cửa dù rất muốn nhưng cũng chưa thể quay lại gara làm việc được, vẫn phải chờ TP nới lỏng thêm.
“Hiện nay, cả chủ và thợ chỉ có đúng 3 người, trong khi trước đó gara của tôi không dưới 10 người. Nhiều khách gọi điện hẹn đến sửa những lỗi cơ bản, còn về hệ thống điện hay những hạng mục lớn thì tôi phải từ chối do không đủ thợ để làm”, anh Kiên chia sẻ.
Tình trạng thiếu thợ khiến nhiều gara rơi vào tình trạng quá tải.

Để giảm tải khối lượng công việc, anh đã trù bị trước, "mượn" thêm người từ gara khác. Tuy nhiên, lượng khách quá đông, ông chủ cũng phải "xắn tay áo" sửa khi gara rơi vào tình trạng quá tải.
Vấn đề về thợ cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở sửa chữa ô tô khác. Gara của anh Lê Hồng Đại tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) có lợi thế khi đội ngũ thợ chủ yếu là người địa phương. Do đó ngay từ trưa 16/9, gara này đã có thể hoạt động với 100% công suất.
Tuy vậy, anh Đại cho biết, dù hoạt động trở lại nhưng cũng có khó khăn nhất định, nhất là về phụ tùng thay thế, “gara được hoạt động nhưng những đại lý bán phụ tùng ô tô vẫn chưa được mở. Các cửa hàng này hầu hết ở các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai vẫn đang thực hiện giãn cách nên rất khó khăn trong việc gửi đồ để thay thế cho khách, bởi không phải phụ tùng nào gara cũng có sẵn”.
Nếu như trước đây đặt hàng thì chỉ khoảng hơn 1 tiếng sau đã nhận được với giá cước phí khoảng 80 - 100 nghìn đồng. Tuy vậy, trong những ngày này có đặt thì đại lý cũng không dám chắc khi nào nhận được. Còn nếu gửi xe tải thì phí cực cao, có thể 600 - 700 nghìn đồng cho một kiện hàng với vài món đồ.
“Với thời gian và chi phí đội lên như vậy, tôi cũng không biết phải nói với khách thế nào. Nhiều lúc mình phải chịu thiệt vì toàn khách quen, không thể tự tiện tăng giá được”, anh Đại chia sẻ.
Việc được trở lại làm việc làm các chủ gara phần nào giảm bớt nỗi lo về tài chính, tất cả đều mong muốn rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, TP sẽ bước vào trạng thái bình thường, hồi phục lại nền kinh tế, giảm bớt được gánh nặng "cơm áo gạo tiền".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần