Gây dựng tập đoàn hùng mạnh từ đôi tay trắng

Lê Kim Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã bước qua tuổi “thất thập”, nhưng với Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn vẫn căng đầy nhựa sống, chí khí và bản lĩnh trên thương trường. Bởi, không chỉ gây dựng tập đoàn kinh tế hùng mạnh từ đôi tay trắng, với ông, những khát vọng trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh chưa bao giờ thôi… “tắt lửa”.

Những lối rẽ cuộc đời
Sinh ra tại Nghệ An giữa nạn đói lịch sử năm Ất Dậu (1945) cái nghèo, cứ quẩn quanh, bám chặt gia đình cậu bé Trường Sơn. Đã thế, khi mới 6 tháng tuổi, cha cậu lại qua đời. Mẹ của Sơn một nách cắp hai đứa con thơ dại, nên cái nghèo, cái khó được thể nhân lên. Hồi đó, nhà chẳng có lấy mảnh ruộng cắm dùi nên mẹ cậu phải đi cấy thuê từ 3 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Vậy mà vẫn không đủ ngô, khoai, gạo cho cả nhà no bụng mỗi ngày. Năm Sơn 10 tuổi, cậu phải học mót qua người anh ruột vì mẹ không đủ tiền cùng lúc cho hai anh em đi học. Năm 14 tuổi, cậu đã học hết chương trình lớp 7. Nhờ đỗ đạt cao nên Sơn được ra Hà Nội học trường Trung cao cấp Cơ điện. Đó là bước ngoặt quan trọng, tiền đề trong bước đường trở thành doanh nhân của Nguyễn Trường Sơn.
 Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn 
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cao cấp Cơ điện, Sơn được điều về công tác ở Nhà máy Chế tạo biến thế. Năm 1967, được Nhà nước và ngành Điện lực cử đi học tại Bulgaria với nghề thiết kế chế tạo máy biến thế. Sau 5 năm tu nghiệp, về nước với tấm bằng loại ưu “kỹ sư thực hành điện tự động hóa”, ông tiếp tục được trở lại Nhà máy chế tạo Biến thế. Tuổi trẻ luôn sẵn bầu nhiệt huyết ngoài sự say mê, ông còn sáng tạo khoa học. Tình nguyện tham gia vào Đại đội tự vệ Cảm tử Thủ đô, ông đã nhiều lần trực tiếp đối mặt, bất chấp hiểm nguy, đã trực tiếp chiến đấu ác liệt nhiều trận đánh máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội. Ông luôn giữ ngôi quán quân về những sáng kiến kinh nghiệm ở nhà máy. Trong đó có “sáng chế máy phay cổ góp phát điện” đưa năng suất lao động lên 4, 5 lần. Vừa công tác, ông vừa học tại chức Đại học Bách khoa Hà Nội với bằng kỹ sư thứ 2. Đây tiếp tục là bước ngoặt chắp cánh cho Nguyễn Trường Sơn trở thành nhà DN.

Năm 1981, ông về công tác tại Công ty Vật tư Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tại đây, lần lượt đảm nhiệm các cương vị rồi, ông được điều về nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may (Bộ Công nghiệp nhẹ). Tháng 10/1991, khi Luật Công ty ra đời, ngày 16/10 năm ấy, ông xin phép Bộ Công nghiệp nhẹ, UBND TP Hà Nội chuyển đổi Công ty Xuất nhập khẩu và dịch vụ may ra ngoài, thành lập công ty liên doanh (đó là công ty Nhà nước đầu tiên và duy nhất ngày ấy ở Hà Nội) thành Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và du lịch Nghi Tàm. Đây là bước ngoặt thứ 3, tạo tiền đề cho doanh nhân Nguyễn Trường Sơn gây dựng Tập đoàn Bảo Sơn hùng mạnh như hiện tại.

Tận hiến vì lợi ích cộng đồng

Ngay từ khi thành lập, triết lý kinh doanh của Tập đoàn Bảo Sơn là cống hiến tận tâm, phục vụ lợi ích của cộng đồng, vì sự phồn vinh của đất nước. Năm 1995, Khách sạn quốc tế Bảo Sơn tiêu chuẩn 4 sao ra đời sớm nhất ở Hà Nội với sứ mệnh phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và giao lưu văn hóa ẩm thực cho người dân. Năm 2008, Công viên Thiên đường Bảo Sơn rộng 20ha được khai trương, nhằm cống hiến cho cộng đồng một địa chỉ vui chơi giải trí văn hóa đa năng đáp ứng đa dạng nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân. Năm 2010, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với hệ thống Trường Cao đẳng nghề Hàng Không và Trường Trung cấp Y dược Bảo Sơn. 5 năm sau, Tập đoàn Bảo Sơn chính thức ghi dấu với lĩnh vực y tế khi cho ra đời Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn tại số 52 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và tiến tới đầu tư khu tổ hợp bệnh viện – nhà dưỡng lão tại Sơn Tây, Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, cái tên Nguyễn Trường Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn, khách sạn Bảo Sơn, Bệnh viện Bảo Sơn cứ âm thầm ghi dấu ấn trên thương trường. Không chỉ có đoàn thể thao, hoa hậu, điện ảnh các nước ASEAN trong các kỳ thi đấu… rất nhiều doanh nhân nước ngoài đã tìm đến đặt bản doanh tại Khách sạn Bảo Sơn và coi đây là cầu nối để tiếp cận các thông tin về đất nước và con người Việt Nam. Bởi thế, Tập đoàn Bảo Sơn nhiều lần được chọn là nơi tổ chức các sự kiện, liên hoan du lịch quốc tế, đại nhạc hội quốc tế, nơi Nhà nước tổ chức gặp mặt Việt kiều mỗi dịp Tết đến, Xuân về…

Doanh nhân Nguyễn Trường Sơn hiểu rằng, thời hội nhập đòi hỏi sự giao lưu quảng bá thương hiệu. Hẳn vì thế, những năm qua ông đã nhận lời đảm nhận nhiều cương vị công tác khác nhau như: Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Đông Nam Á, Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam – Bulgaria, Chủ tịch quỹ Bảo Sơn. Mỗi năm các giải thưởng Bảo Sơn trên 5 tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước 50.000USD. Năm 2015, Đại hội thành lập Hội doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam TP Hà Nội đã bầu ông làm Chủ tịch Hội. Bởi hiếm ai vừa trí tuệ, bản lĩnh, đã từng va đập với thương trường, dạn dày với dư luận, lại chí khí và có tâm như Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn. Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển đất nước, ông được Hội đồng Thi đua Khen thưởng T.Ư vinh danh là Doanh nhân Tiêu biểu toàn quốc và nhận cúp Thánh Gióng năm 2016.

Dù biết, sóng to, gió cả vẫn luôn rình rập, nhưng, doanh nhân Nguyễn Trường Sơn vẫn quyết tâm bảo vệ thành quả lao động của mình, tiếp tục thực hiện ước mơ mở rộng phạm vi kinh doanh để Tập đoàn Bảo Sơn được tận hiến vì lợi ích cộng đồng và đất nước Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần