Gây ô nhiễm phải trả đúng, đủ chi phí xử lý, khắc phục

Trần Thụ - Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục”. Đây là phát biểu của Bộ Trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại diễn đàn "Bảo vệ môi trường – Những vấn đề cấp bách" do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức.

Thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Vấn đề môi trường đang là thách thức “sống còn” đối với nhân loại, với sự phát triển bền vững của Việt Nam và Thế giới. Từ đầu năm 2016 tới nay, toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến dư luận quan tâm và bức xúc….Để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị "Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường". Một trong những điểm quan trọng của chỉ thị là thay đổi về tư duy bảo vệ môi trường. Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển. Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa và ngăn chặn là chính chứ không phải để xảy ra mới xử lý.

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ tọa diễn đàn

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường, trước tiên cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi từ một nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp. Trước mắt, cần sớm có quy hoạch về bảo vệ môi trường với cách tiếp cận liên vùng, phục vụ tái cơ cấu kinh tế trong thời gian sắp tới. Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã hoạt động, đang chạy thử, đang xây dựng, đưa ra lộ trình rõ ràng để phối hợp với các địa phương xử lý đúng pháp luật. Sớm ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm và danh mục, công khai các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn. Xem xét, điều chỉnh các cơ chế tài chính, huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế huy động trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục - Người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.

Và vai trò của báo chí

Tham luận tại diễn đàn về vai trò của cơ quan thông tấn báo chí đối với công tác bảo vệ môi trường, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng: Để nâng cao hiệu quả truyền thông, cần có thêm những kênh chuyên biệt, hiệu quả về môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường truyền thông về các sáng kiến bảo vệ môi trường, các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện hiện nay. Đồng thời, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cho cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như định hướng dư luận trong những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin qua nhiều kênh khác nhau.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã được nghe thông tin đầy đủ, cập nhật về quá trình nghiên cứu và quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển; các hệ sinh thái biển và ven biển 4 tỉnh Miền Trung của các nhà khoa học Việt Nam. Qua đó, khẳng định các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của quy chuẩn Việt Nam. Đạt quy chuẩn đối với vùng bãi biển, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Hệ sinh thái dạng sinh thái, có biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh về cả đa dạng sinh học và quy mô nay đã bắt đầu có sự hồi phục tích cực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần