Động lực chính từ dịch vụ và công nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP ước tính tăng tới 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024. Đồng thời, tiếp tục duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Mức này cũng cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trước đó. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng là dịch vụ và công nghiệp. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.
Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17% vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Còn nông, lâm nghiệp và thủy sản góp 5,37% vào tăng trưởng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27%. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0,26% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03%; ngành thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,1%.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Khai thác tối đa thời cơ, cơ hội
“Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và trước nước, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới”- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.
Cùng với GDP, năm 2024, Việt Nam cũng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Nhiều địa phương tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách nhà nước vượt nhiều so với dự toán, như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lần đầu ghi nhận thu ngân sách vượt nửa triệu tỷ đồng.
Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Cả nước có hơn 233.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024. Trong chiều ngược lại có hơn 197.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng khởi sắc hơn. Trong quý IV/2024, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước đó tăng 5,1%, còn nhóm giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn giảm 5,5%.
Từ tăng trưởng 2024, theo Tổng Cục Thống kê, triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Tình hình thế giới sẽ tiếp tục tạo ra những biến động khó lường. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, là mắt xích trong biến động toàn cầu, do đó các chính sách buộc phải xoay quanh những thay đổi nhằm phát huy các lợi thế hội nhập và hạn chế rủi ro.
Do đó, Tổng Cục Thống kê cho rằng, tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và tạo đột phá. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt cải cách, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn…
Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 02/BKHĐT-TCTK gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024. Năm 2025 là năm cuối "về đích" kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030. Những chuyển động mới trong sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đang tạo đà, tạo khí thế mới để cả nước phấn đấu tăng trưởng bứt phá.