GDP quý I/2023 tăng 3,32%, thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2023

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Thông tin tại buổi họp báo sáng nay (29/3), Tổng cục Thống kê cho biết, với tốc độ 3,32%, GDP nước ta ghi nhận mức tăng trong quý đầu năm thấp thứ 2 trong vòng 13 năm.

Quang cảnh họp báo
Quang cảnh họp báo

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Trong quý I/2023, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1 năm nay như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7.65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Tuy nhiên khu vực công nghiệp và xây dựng - một trong những động lực chính của nền kinh tế chứng kiến sự suy giảm trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.

Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.

Nhìn nhận về năm 2023, nhiều tổ chức đánh giá, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng tốt song sẽ giảm tốc xuống do kinh tế thế giới đi vào pha suy thoái. Việt Nam sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân là do triển vọng xuất khẩu kém, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 sẽ phụ thuộc vào khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.