Tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II năm 2021 vừa diễn ra chiều nay 21/7.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí tăng cao, doanh nghiệp lao đao
Trong quý II/2021, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%, thấp hơn mức của quý II/2019 nhưng cao hơn tốc tăng của năm 2020. Đối với các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II/2021 với tốc độ tăng trưởng 13,84%, chỉ thấp hơn cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021. Mặt khác, do sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tiếp tục giảm trong quý II/2021 nên ngành khai khoáng suy giảm 4,68%. Do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên ngành xây dựng tăng 4,82%, mức tăng này chỉ cao hơn quý II/2020 (4,59%) trong giai đoạn 2014 - 2020.
Các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất. Ảnh minh họa |
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 ước tính đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) trong quý 2/2021 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,06% của cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3%. Chỉ số tồn kho tiếp tục tăng mạnh theo diễn biến như quý trước với tốc độ tăng trưởng là 24,3%, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (26,7%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang bị đình trệ trong sản xuất và phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống sự lây lan của đợt dịch thứ 4 nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong quý II/2021. Trong tháng 4, theo đà tăng trưởng của quý I/2021, giúp chỉ số PMI đạt 54,7 điểm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bắt đầu trở lại vào đầu tháng 5 năm 2021, cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch đã làm cho chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn kể từ sau đợt dịch lần thứ 3 tại Việt Nam, khiến chỉ số PMI có xu hướng giảm trong quý II/2021, dừng ở mức 44,1 điểm vào tháng 6/2021.
Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp phải đối mặt với sự gia tăng trong chi phí sản xuất. Tính từ tháng 4 năm 2020, giá hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh. Mặt khác, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, giá thuê đất trong quý II/2021 trung bình tại các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% và tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/ m2, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đấy, giá cước vận tải biển vào cuối tháng 6/2021 đã tăng khoảng 4 - 8 lần so với cùng thời điểm năm 2020.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cán cân thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2021 ước tính thâm hụt 993 triệu USD. So với mức thặng dư cùng kỳ năm trước (1,85 tỷ USD), sự thâm hụt của cán thương mại này là do nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất của các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất. Trong quý II/2021, khu vực trong nước thâm hụt 8,58 tỷ USD, tăng 86,7%. Khu vực FDI thặng dư 4,31 tỷ USD, giảm 31,7%.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong giữa và cuối quý II đã tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đang bùng phát dịch. Mặt khác, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm; đầu tư công 6 tháng chưa đạt 2/3 kế hoạch năm; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; thị trường chứng khoán trồi sụt nhiều tiềm ẩn rủi ro; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.
3 khuyến nghị chính sách
Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây.
Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh dịch |
Theo đó, với kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.
Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 - 6,1%.
Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4,0%.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng diễn biến phức tạp trước tình trạng lây lan phức tạp của dịch bệnh trong cuối quý II/2021 và đầu quý III/2021, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của VIệt Nam.
PGS-TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có 3 yếu tố chính: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
Các chuyên gia tại toạ đàm đưa ra 3 khuyến nghị: Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.
Thứ hai, Chính phủ và các bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.
Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.