Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP quý III/2022 tăng 13,67%, cao nhất trong 11 năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III giúp GDP 9 tháng năm 2022 tăng cao nhất trong 11 năm qua, ở mức 8,83%.

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2022.

Sản xuất công nghiệp tăng cao. Ảnh minh hoạ
Sản xuất công nghiệp tăng cao. Ảnh minh hoạ

“Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,1 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III theo giá hiện hành ước đạt 833.800 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 94.800 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 1,327 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 132.700 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng chi ngân sách ước đạt 1,086 triệu tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 240.000 tỷ đồng.

Ngoài ra theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đầu năm ước đạt 558,52 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD. Như vậy, 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).

9 tháng đầu năm có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có đến hơn 600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại, 9 tháng đầu năm, cả nước có 112.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.