GDP quý III giảm 6,17% đã phải là đáy?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 ngày 29/9, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, cũng là mức thấp nhất trong hơn thập kỷ gần đây.

Dịch Covid -19 “đánh thẳng” vào các ngành kinh tế

Dù tăng trưởng quý III giảm sâu khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, nhưng Tổng cục Thống kê đánh giá mức này là "thành công lớn" trong bối cảnh hiện nay. Dịch bệnh phức tạp, các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội quyết liệt để chống dịch Covid-19 tại 25 tỉnh, TP trong đó gồm 2 đầu tàu kinh tế lớn cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đã ảnh hưởng, tác động trực diện tới ngành sản xuất, dịch vụ khiến mức tăng trưởng âm.

Trong quý III, ngoại trừ nông nghiệp thuỷ sản tăng trưởng dương 1,04%, nhưng vẫn là mức thấp trong nhiều năm qua. Sản lượng cá tra, tôm nuôi trồng của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng do các cơ sở, nhà máy nuôi trồng chế biến thủy sản ngừng hoạt động thực hiện giãn cách.

Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo trong quý III nhưng đã giảm 3,24% do dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới các khu công nghiệp trọng điểm. Khu vực dịch vụ giảm sâu nhất 9,28% với vận tải, bán buôn bán lẻ và vui chơi giải trí giảm mạnh.

Tính chung 9 tháng của năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng trưởng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 23,52% vào mức tăng GDP chung toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Các ngành có tăng trưởng dương là y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%

Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với tháng trước, 9 tháng tăng 24,4%. Như vậy, tốc độ tăng đã chậm lại, trong khi nhập siêu vẫn ở mức cao - 2,13 tỷ USD.

Quý III, tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương giảm. 12/19 tỉnh, TP có mức tăng trưởng âm với trên 10%. “Ước tính của Tổng cục Thống kê riêng GDP của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã chiếm 57% tăng trưởng cả nước, nên những tỉnh này tăng trưởng âm đã ảnh hưởng rất lớn đến GDP quý III”-  ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng Cục Thống kê) cho biết.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều DN đối mặt với nguy cơ phá sản. Số DN rút lui khỏi thị trường 9 tháng là 90.300, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cũng lưu ý số liệu này có thể chưa phản ánh hết số DN rút lui khỏi thị trường trên thực tế, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các DN không thể làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Quý IV sẽ phục hồi

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường với mức 9 tháng là 1,42%. Về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6% (Quốc hội giao) và 6,5% (Chính phủ đề ra) theo Tổng cục Thống kê là khó khả thi. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng. Tăng trưởng GDP quý III âm nhưng quý IV sẽ phục hồi.

Việt Nam đang quyết liệt kiểm soát dịch, và chiến lược tiêm chủng hướng tới mục tiêu 70% mũi 2 toàn dân vào năm 2022. Đồng thời triển khai mô hình chống dịch mới. Trong khi đó, động lực tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng dân cư.

''3 tháng cuối năm, gần 250.000 tỷ đầu tư công cần giải ngân. Xuất khẩu cùng với mở cửa nền kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ DN sẽ thúc đẩy chung cho sản xuất và xuất khẩu. Về tiêu dùng dân cư, các dịch mở cửa trở lại, cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng dịch vụ cuối năm, đặc biệt phải giải ngân nhanh gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khó khăn do Covid-19 hy vọng sẽ tiêu dùng sẽ tăng nhanh", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.

Bên cạnh những địa phương tăng trưởng âm, GDP các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Giang đang lấy lại đà tăng trưởng sẽ bù đắp phần nào suy giảm của các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua.

Khảo sát về kỳ vọng ở quý IV, 43,4% số DN được hỏi dự báo xu hướng sẽ tốt lên; 30,3% cho rằng tình hình sẽ ổn định và 26,3% dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và DN Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, CPI bình quân quý 3/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cùng ngày, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, CPI tháng 9 trên địa bàn TP giảm 0,6% so với tháng trước, tăng 2,32% so với tháng 12/2020 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,54% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần