Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP quý III tăng 7,04%, kinh tế vẫn trong xu thế cải thiện

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vượt qua ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, GDP quý III/2024 vẫn tăng 7,04%, cao nhất so với 2 quý đầu năm (quý I/2024 tăng 5,66%GDP; quý II/ 2024 tăng 6,93%). Theo đó, GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng

Tại cuộc họp báo được tổ chức sáng 6/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh phía Bắc.

Tổng Cục Thống kê: GDP 9 tháng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước
Tổng Cục Thống kê: GDP 9 tháng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước

“Tuy nhiên, với những giải pháp khắc phục hậu bão lũ và ổn định sản xuất kinh doanh sớm, kinh tế quý III/2024 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực” - bà Hương nhận định.

Tăng trưởng quý III/2024 cũng như 9 tháng tiếp tục có sự đóng góp của một số ngành hàng như công nghiệp xây dựng, khu vực dịch vụ. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt với mức tăng 9,76%, đóng góp 2,44%. Ngành xây dựng cũng có sự tăng trưởng ổn định với 7,48%, đóng góp 0,52%. Những kết quả này thể hiện nỗ lực phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: bán buôn, bán lẻ tăng 7,56%, ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,4%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%. Điều này cho thấy dù còn khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy tăng 3,2%, nhưng mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024. Giá trị tăng thêm từ ngành nông nghiệp đạt 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Ngành lâm nghiệp mặc dù tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ đóng góp 0,03%. Ngành thủy sản có tốc độ tăng 3,73%, đóng góp 0,10%.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng tăng 15,68% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,8 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

Tính chung 9 tháng, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7%. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thấp hơn so với số doanh nghiệp gia nhập.

Thách thức cuối năm, thúc đẩy mạnh đầu tư công

Hiện tại, nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay đạt 6%, gồm WB, ADB, UOB và Standard Chartered. IMF kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, HSBC thậm chí dự báo mức tăng là 6,5%.

Các tổ chức cho rằng xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng. Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ì ạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định tài chính. Tăng trưởng của Việt Nam sẽ cải thiện, nhờ sự phục hồi du lịch, tiêu dùng và đầu tư.

Từ bối cảnh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 20204, Tổng Cục Thống kê nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,8-7% trong năm nay vẫn là thách thức lớn, cần nỗ lực và kiên định mục tiêu đã đề ra để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Những tháng cuối năm 2024 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế-xã hội Việt Nam, khi phải đối mặt với hàng loạt biến động lớn từ bên ngoài và những khó khăn nội tại trong nước. Lạm phát còn tiềm ẩn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; Sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra nhiều sức ép; Thị trường lao động thiếu hụt, và sự chênh lệch ngày càng lớn trong việc phát triển kinh tế giữa các vùng miền.

Những khó khăn này sẽ tiếp tục “bủa vây” khu vực doanh nghiệp những tháng cuối năm khi xu hướng phục hồi diễn ra chậm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp và tình hình trong nước thiên tai, biến đổi khí hậu gây khó khăn.

Tổng Cục Thống kê cho rằng, cùng với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm thuế, giãn hoãn nợ… tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…; cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh.

9 tháng giải ngân đầu tư công mới đạt 47% kế hoạch. Do vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng quý còn lại cuối cùng của năm 2024 cần tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra... Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

 

CPI 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 9 tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI bình quân tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.