GDP tăng thấp, chứng khoán phản ứng ra sao?

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức tranh kinh tế quý I/2023 được hé lộ với nhiều chỉ số, số liệu không mấy lạc quan. Chứng khoán trong nước trở lại trạng thái ảm đạm, dù vừa có phiên hôm qua đón dòng tiền nhộn nhịp.

Vĩ mô “lộ” khó, chứng khoán ảm đạm

Kinh tế vĩ mô quý I/2023 có phần ảm đạm khi chỉ số tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,23%, CPI tăng 4,18%, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,8%, có 60.200 DN rút lui khỏi thị trường trong quý. Đây là những minh chứng rõ nét cho tình hình khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những con số vĩ mô không mấy lạc quan này khiến chứng khoán trong nước giao dịch khá ảm đạm. Điều này tương đồng với dự báo trước đó của giới phân tích. Các chuyên gia đánh giá tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh các DN niêm yết dự kiến sẽ không thực sự khả quan trong quý đầu năm. Thị trường vẫn có một số thông tin hỗ trợ như mặt bằng lãi suất đã giảm, kênh trái phiếu có những cải thiện ban đầu.

"Với những thông tin tốt xấu đan xen, chúng tôi cho rằng, thị trường có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn" - Trưởng bộ phận phân tích và chính sách vĩ mô tại VNDirect Đinh Quang Hinh nhận định.

Hôm nay, sắc đỏ áp đảo trên cả 3 sàn, phe bán chiếm ưu thế. Dù vậy VN-Index đóng cửa vẫn tăng nhẹ nhờ diễn biến trong phiên ATC. VN30-Index trở lại sắc xanh, dẫn dắt thị trường là VCB, MSN, TCB, MBB... Trong lúc trường giao dịch ảm đạm, phân hóa, các bluechip ngân hàng như VCB, TCB, MBB, BID, CTG phát huy sức mạnh.

Nhóm ngân hàng, bất động sản đều có tín hiệu khởi sắc sau dự thảo sửa đổi quy định mua bán trái phiếu DN với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN.

Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi nhóm ngân hàng nối dài đà tăng sang phiên hôm nay, thì cổ phiếu bất động sản “nguội” đi đáng kể. Sắc đỏ chiếm ưu thế ở nhóm bất động sản, CRE, BCM, DXS, SCR, HTN, NVL, HDG, NVL cùng giảm giá, nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%. Các cổ phiếu “họ” Vingroup như VHM, VRE đứng tham chiếu, còn VIC nhích nhẹ 0,2%. Các cổ phiếu nhỏ, vừa tăng tốt hơn. NBB tăng trần.

Trong lúc thị trường ảm đạm, điều chỉnh, ngành thép nổi lên giao dịch khởi sắc. Sắc xanh bao phủ diện rộng. HPG là cổ phiếu khối ngoại mua ròng mạnh nhất, hơn 31,4 tỷ đồng. Các mã SMC, VGS, TLH, HSG, NKG... cùng tăng giá.

Vốn nội “tiếp sức”

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,04 điểm (0,19%) lên 1.056,33 điểm. HNX-Index giảm 0,17 điểm (0,08%) xuống 205,59 điểm. UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (1,52%) lên 76,73 điểm.

Như vậy,VN-Index đã tăng liên tục 7 phiên giao dịch, là chuỗi tăng dài thứ 2 kể từ đầu năm. Ở nhịp tăng cuối tháng 1 vừa qua chỉ số VN-index đã tăng liền 8 phiên liên tiếp lên ngưỡng 1.124 điểm. Đà tăng của thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ điểm sáng dòng vốn ngoại, và tới khi khối ngoại thu hẹp quy mô giao dịch, dòng tiền nội kịp thời quay lại. Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại quay lại bán ròng hơn 210 tỷ đồng.

Chứng khoán MBS nhận định, khi trở ngại từ thị trường chứng khoán thế giới đã được cởi bỏ, thị trường trong nước cũng đang có thông tin hỗ trợ từ các giải pháp nhằm khơi thông dòng vốn cho DN, gỡ khó cho thị trường trái phiếu DN... đang có những dấu hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, bắt đầu giảm lãi suất cho vay diện rộng… đã kích hoạt được dòng tiền nội quay lại thị trường.

Nhóm phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc giằng co trong phiên kế tiếp, nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn trước khi quay lại xu hướng hồi phục chủ đạo và hướng lên vùng đích kỳ vọng 1.070 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị bán xoay vòng một phần tỷ trọng trading quanh ngưỡng cản đã đề cập và chỉ mở mua trở lại khi giá của các cổ phiếu mục tiêu đã về quanh hỗ trợ.

Với diễn biến hiện tại, chuyên gia từ Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã có được nhịp tăng tốt.

Đồng thời, tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức an toàn từ 20-40% để có thể quản trị tốt rủi ro trong ngắn hạn nếu áp lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện.