Geneva 2 - bước ngoặt quyết định?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (Geneva 2) đã diễn ra theo kế hoạch tại Thụy Sĩ với sự tham gia của các đại biểu đến từ hai bên trong cuộc nội chiến ở Syria và khoảng 40 quốc gia khác.

Tuy nhiên, hội nghị này có tìm ra được giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua tại quốc gia Trung Đông này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã nhận định, việc các phe phái ở Syria vượt qua những cách biệt về không gian để hội ngộ tại thị trấn nhỏ bé Montreux có thể là một cơ hội để các bên thể hiện tinh thần đoàn kết và tạo nên sự khởi đầu mới cho Syria. Chỉ có điều trái với mong đợi của người đứng đầu LHQ, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngay trong bài phát biểu đầu tiên tại hội nghị đã gọi phe đối lập nước này là "những kẻ phản bội" và "các đặc vụ nhận lương từ nước ngoài". Đồng thời khẳng định, các chủ đề liên quan đến địa vị và tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad là "ranh giới đỏ" và không được bàn tới tại hội nghị Geneva 2 vì chỉ người dân Syria mới có thể quyết định được số phận của ông al-Assad.

 
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: AFP
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: AFP
Tất nhiên, phe đối lập không thể bỏ qua cơ hội để công kích chính quyền Syria đương nhiệm. Thủ lĩnh đối lập Syria đồng thời là Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria, Ahmad Jarba đã khẳng định không đàm phán về việc Tổng thống al-Assad tiếp tục tại vị bởi mục đích của hội nghị này là để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Ông Jarba cũng cáo buộc các lực lượng của ông Assad đang hỗ trợ mạng lưới khủng bố al-Qaeda trên lãnh thổ Syria và kêu gọi phái đoàn của chính phủ Syria ngay lập tức ký kết cái gọi là thỏa thuận "Geneva 1". Theo đó, ông yêu cầu chuyển giao các quyền lực của ông Assad, gồm cả quân đội và an ninh, cho một chính phủ chuyển tiếp".

Những diễn biến trên cho thấy, rất khó để các bên vượt qua được sự khác biệt về quan điểm và các bên liên quan có thể tìm được tiếng nói chung trong vòng đàm phán lần này. Ngay trước thềm Geneva 2, việc Iran bất ngờ bị rút lại lời mời tham dự hội nghị là minh chứng mới nhất cho những bất đồng vẫn còn tồn tại trong thành phần tham dự hội nghị này. Tuy nhiên, Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về Syria Lakhdar Brahimi hy vọng, các cuộc thảo luận chi tiết vào ngày 24/1 có thể sẽ đạt được những kết quả nhất định, ít nhất là một số biện pháp cứu trợ cho thường dân Syria, cải thiện các nguồn viện trợ và thiết lập cơ chế trao đổi tù binh. Rõ ràng, rất khó để các bên thực hiện được các mục tiêu tham vọng tại  hội nghị này, tuy nhiên, cả Mỹ và Nga - hai quốc gia có vai trò quan trọng trong Geneva 2 đều cho thấy mong muốn chấm dứt tình trạng xung đột hiện nay. Hy vọng, những cuộc trao đổi "thực tế và xây dựng" giữa Moscow và Washington sẽ tạo ra những bước chuyển nhất định cho tình hình Syria hiện nay.