"Ghe chiếu Cà Mau" sẽ đi vào dĩ vãng?

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghề tuyền thống trong "Tình anh bán chiếu" đã từng làm say đắm bao người. Nhưng rất có thể, nghề chiếu Cà Mau trăm năm đi vào thơ ca nay sẽ dần rơi vào quên lãng chỉ còn là kí ức, khi nhu cầu thị trường đã không còn.

Ông Nguyễn Văn Trần Vũ 65 tuổi ở xã Tân Thành Cà Mau, một nghệ nhân hiếm hoi của nghề làm chiếu Cà Mau. (Hoàng Nam)
Ông Nguyễn Văn Trần Vũ 65 tuổi ở xã Tân Thành Cà Mau, một nghệ nhân hiếm hoi của nghề làm chiếu Cà Mau. (Hoàng Nam)
Chiếu Tân Thành Cà Mau (Hoàng Nam)
Chiếu Tân Thành Cà Mau (Hoàng Nam)

Một thời dệt chiếu thành vàng

Soạn giả Viễn Châu từng đưa tên tuổi nghề dệt chiếu Cà Mau đến với bao thế hệ người Việt Nam bằng “Tình anh bán chiếu.” Câu hò: "Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm” cũng đủ thấy cái cơ cực của người dệt – bán chiếu. Từ trăm năm trước, vùng đất Tân Thành Cà Mau đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Theo chân những chiếc ghe tam bản, chiếu Cà Mau len lỏi đến tận nhà của người dân ở khắp các tỉnh, thành miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Giờ đây, hình ảnh đó đã không còn, khi như cầu về thị trường khiến ít người dùng chiếu dệt từ cây lác như xưa.

Công đoạn phân loại, chẻ lác (Hoàng Nam)
Công đoạn phân loại, chẻ lác (Hoàng Nam)

Tân Thành TP Cà Mau hiện chỉ còn vài hộ giữ nghề dệt chiếu. Bên ngôi nhà nhỏ, ông Nguyễn Văn Trần Vũ (65 tuổi) đang ngồi chẻ lác. Ngay đầu nhà ông Vũ, một khoảnh vườn nhỏ trồng lác, mấy ô đất giáp lộ cũng được trồng cây đay (còn gọi là cây bố) để lấy nguyên liệu cho nghề dệt chiếu. “Trong xã, giờ chỉ còn nhà ông làm nghề chiếu để bán. Một vài hộ khác, thỉnh thoảng dệt chiếu để phục vụ nhu cầu của gia đình chứ không buôn bán nữa. Con kênh trước nhà ông Vũ, vì thế, không còn cảnh ghe chiếu xuôi dòng đưa chiếu Cà Mau đi khắp nơi như xưa” – chỉ tay xuống con kên ông Vũ buồn bã nói.

“Ngày xưa làm chiếu dư ra được cây vàng, giờ làm chiếu chỉ dư ra được những cây truồi (cây gỗ để luồn lác dệt chiếu). Lúc nghề hưng thịnh, gia đình tôi dệt chiếu mỗi tháng kiếm được chỉ vàng dễ lắm. Bây giờ, dệt vì còn yêu nghề thôi. Nguyên liệu tôi tự trồng ở nhà, vậy mà khi bán xong trừ chi phí coi như huề vốn” - ông Vũ cười buồn.

“Mới đây có người bà con dưới Kiên Giang đặt gần chục chiếc chiếu. Vài bữa tôi xuống đó đi ăn cưới rồi chở theo luôn, lâu lắm rồi mới có chuyến giao chiếu đi xa. Giờ cũng còn nhưng không nhiều người thích nằm chiếu dệt thủ công, họ cần nên điện đặt trước, lời lãi không là bao làm chỉ vì nhớ nghề” – vừa nói tay ông Vũ không ngừng chẻ lác. Đôi tay thoăn thoắt chẻ, nhưng cố gắng không để lác bị sợi to sợi bé. Theo ông, lác đều, chiếu dệt mới đẹp. Chẻ xong, ông ra sân trước nhà để phơi nắng. Có vài chiếc chiếu dệt xong cũng mang ra phơi khô để chuẩn bị giao.

“Lớn tuổi, không còn sức làm công nhân hay bảo vệ nữa nên đành ở nhà làm chiếu. Gọi là lấy công làm lời cho vui. Vì chiếu khổ lớn 1m8 chỉ bán được vài trăm nghìn một đôi (2 chiếc), trừ chi phí, công dệt tiền lời không đáng kể. “Nếu khách đặt chiếu dệt riêng, đặc biệt là chiếu cưới thì chi phí cao hơn.

Nhưng cũng có lúc, có khách đặt dệt chiếu tân hôn bắt buộc hai vợ chồng cùng dệt để cầu may. Những đôi chiếu như vậy phải thêm hoa văn, trang trí cầu kỳ nên giá cao, đến vài triệu lận, phải làm cả tuần mới xong. Nhưng nhưng đơn hàng như vậy bây giờ hiếm lắm” – ông Vũ kể.

Khó giữ nghề

Vợ ông Vũ, bà Cao Hồng Lệ, 64 tuổi kể: “Nghề làm chiếu của gia đình ông Vũ, bà Lệ đã truyền đến đời thứ 3, nhưng đang lo không có thế hệ kế cận giữ nghề. Con cái ông bà giờ đều làm ăn xa, kiếm sống bằng nghề khác. Thanh niên ở xã cũng không ai thiết tha, mặn mà với cái nghề cực khổ này. Ở tuổi này, vợ chồng ông bà sẽ cố gắng duy trì nghề này thêm vài năm nữa” - bà Lệ nói.

Bà Lệ cho biết, hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt chiếu, lưng bà Lệ bị gập về phía trước, dáng người hơi còng. Giờ đứng lên ngồi xuống không nổi, chóng mặt lắm. Hơn nữa nghề này khó, không quen không làm được. Lớn lên ở làng chiếu Tân Thành, năm 14 tuổi đã bước vào nghề, tập cắt, chẻ lác. Lâu dần, bà được má cầm tay chỉ việc dạy nghề dệt chiếu, coi như của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Nói về tay nghề, bà bảo loại chiếu nào cũng dệt được, hoa văn nào cũng có thể làm, màu sắc đảm bảo tính thẩm mỹ. Để có chiếc chiếu đẹp, bà Lệ bảo kinh nghiệm là rất quan trọng. Với những người lành nghề, từng sợi lác sẽ được phơi khô đủ độ, không quá giòn, không quá ẩm; màu nhuộm vừa đủ để không bị phai…

Dệt chiếu Cà Mau nay chỉ còn những nghệ nhân lớn tuổi (Hoàng Nam)
Dệt chiếu Cà Mau nay chỉ còn những nghệ nhân lớn tuổi (Hoàng Nam)

Theo bà, cái khó của nghề còn ở công đoạn căng dây đai rất quan trọng. Các dây đai phải có cùng độ căng, chắc chắn để khi dệt không bị lệch. Người đưa lác, người dệt phối hợp ăn ý, không lệch nhịp nào. Đến đoạn cần nổi hoa văn, họa tiết, chữ…phải có sự phối hợp của hai người. Nói thì đơn giản, nhưng phải có sự tính toán chi tiết từng nấc, nếu không chuẩn hoa văn sẽ không được như ý…

Vài năm trở lại đây, qua giới thiệu của chính quyền xã, có nhiều du khách đã tìm đến tận nhà vợ chồng bà Lệ để tận mắt xem nghề dệt chiếu Cà Mau, để tìm hiểu cái cơ cực khó khăn của cái nghề nổi tiếng qua bài ca cổ “Tình anh bán chiếu.”

“Thường thì chính quyền báo trước vài ngày để hai vợ chồng chuẩn bị, do không phải đến lúc nào cũng gặp chúng tôi dệt chiếu. Mỗi lần đến, sau khi trải nghiệm, du khách thường gửi biếu vài trăm nghìn. Dệt chiếu để phục vụ du lịch như vậy cũng là tín hiệu tốt để gìn giữ cái nghề truyền thống của cha ông từ xưa để lại. Cái nghề mà có lẽ vài năm nữa chỉ còn là ký ức thôi” – bà Lệ nói.