Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ghép tế bào gốc điều trị bại não: Kỳ vọng được áp dụng rộng rãi

Hằng Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi bác sĩ (BS) bất lực trước nhiều ca bệnh thì ghép tế bào gốc (TBG) được coi là phép màu trong điều trị các bệnh về máu, về tủy và bại não. Riêng về bệnh bại não, Bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện nhiều ca bệnh thành công.

 GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu TBG và công nghệ gien Vinmec

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu TBG và công nghệ gien Vinmec – người đã nghiên cứu và điều trị thành công những ca bại não tại BV chia sẻ xung quanh vấn đề này.

GS có thể chia sẻ tình huống nào khiến ông quyết định bắt tay nghiên cứu phương pháp điều trị bằng TBG?

- Năm 2014, chúng tôi tiếp nhận một cháu bé 2 tuổi bị bại não do ngạt khí phải sống đời sống thực vật, mất hết nhận thức, vận động. Trao đổi với gia đình, chúng tôi đã có một quyết định táo bạo là ghép TBG nhằm cải thiện chức năng nhận thức và vận động cho cháu bé. Sau khi ghép, cháu có tiến triển rất tốt. Điều bất ngờ này đã mang đến cho chúng tôi hy vọng về việc ứng dụng phương pháp ghép TBG cho trẻ bại não là khả thi.

Đến năm 2015, chúng tôi chính thức bắt đầu thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng TBG tự thân điều trị bại não ở trẻ em” và đến nay đã có 30 ca bệnh được ghép thành công trong khuôn khổ đề tài này. Điều đáng mừng là các bệnh nhân đều có những tiến triển tốt.

Việc điều trị bại não bằng ghép TBG mang lại hiệu quả như thế nào, thưa GS?

- Đây là một phương pháp mới và các nhà khoa học trên thế giới còn rất dè dặt. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tiễn có thể nói đây là phương pháp an toàn. Sau khi tách lấy được TBG từ máu ngoại vi, chúng tôi sẽ truyền qua tủy sống. Theo tuần hoàn của dịch não tủy, các TBG được chuyển lên não bộ và cư trú ở đó. Nó giúp tăng sinh mạch máu, chiết ra một số chất có tác dụng kháng viêm và kích thích những TBG thần kinh tại chỗ biệt hóa, tăng sinh. Đồng thời bản thân TBG này có thể biệt hóa thành tế bào thần kinh đệm giúp dẫn truyền thần kinh tốt hơn. Bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép như các bộ phận khác trên cơ thể do đây là ghép tự thân. Theo nghiên cứu của chúng tôi vừa được công bố trên Tạp chí BMC Pediatric tháng 4/2017, tùy thuộc vào thể bại não, 70 - 80% bệnh nhân sau ghép đã cải thiện về chức năng vận động, giảm đáng kể trương lực cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, có sự phối hợp tốt hơn trong sinh hoạt, tăng cảm giác ngon miệng và tăng cân, cải thiện kỹ năng tập trung, ghi nhớ tốt hơn…

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị bại não. Ảnh: Hằng Nguyễn

Bên cạnh nghiên cứu điều trị bại não bằng phương pháp ghép TBG, được biết, Vinmec cũng đang ứng dụng ghép TBG cho các bệnh nan y khác?

- Các trẻ có tổn thương ở não mắc phải như bị ngạt sau sinh, đuối nước, trẻ bị suy hô hấp, chấn thương não, hay trẻ bị tổn thương não, màng não, trẻ vàng da sơ sinh… được điều trị bằng ghép TBG sẽ mang lại hiệu quả, trong đó 100% bệnh nhân bại não do thiếu oxy đều có cải thiện về chức năng vận động sau ghép. Trong các trường hợp này, không có một quy chuẩn nào về thời gian “vàng”. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân càng được điều trị sớm thì kết quả nhận được càng khả quan. Vinmec cũng đã áp dụng phương pháp này điều trị liệt do chấn thương cột sống, thoái hóa khớp gối, nhồi máu cơ tim, teo đường mật bẩm sinh, xơ gan, ung thư… và thu được những kết quả khả quan.

Là người chủ trì đề tài nghiên cứu này, GS có kỳ vọng gì trong việc áp dụng rộng rãi phương pháp ghép TBG điều trị u não ở Việt Nam?

- Trẻ bại não chiếm 0,06 - 0,19% trẻ em trên cả nước, tạo nên một gánh nặng lớn đối với gia đình và xã hội. Và để chia sẻ gánh nặng đó, chúng tôi quyết tâm đi đầu trong nghiên cứu ghép TBG điều trị bại não ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang xây dựng quy trình ghép chuẩn. Từ đề tài nghiên cứu này, chúng tôi đang nỗ lực để đưa các tiến bộ về di truyền và TBG trên thế giới ứng dụng vào thực tế lâm sàng tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội được chữa trị cho trẻ em bị bại não ở Việt Nam.

Xin cảm ơn GS!