Sử dụng nhiều công cụ giảm áp lực tỷ giá
Sáng 11/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ở mức ở mức 24.250 đồng, tăng 8 đồng so với ngày 10/6. Tỷ giá USD trong nước tại các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết ở mức 25.192 - 25.462 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 8 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Tỷ giá trong nước tăng khi đồng USD trên thị trường thế giới tăng trở lại trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 12/6.
Dù vậy, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND hôm nay 11/6 giữ nguyên cả hai chiều mua - bán đứng ở mức 25.670 - 25.750 VND/USD.
Tỷ giá đã hạ nhiệt nhiệt đáng kể trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 3/- 7/6 tiếp tục giảm nhẹ. Kết phiên 7/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.400 VND/USD, giảm 41 đồng so với phiên 31/5.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng giảm trong tuần trước. Tính chung cả tuần từ 3 - 7/6, tỷ giá tự do giảm 195 đồng ở chiều mua vào và 185 đồng ở chiều bán ra so với những ngày cuối tháng 5. Trước đó, giá USD bán ra có lúc đã vượt 25.800 đồng.
Tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 5% tính từ đầu năm 2024 và áp lực tỷ giá ngày một lớn. NHNN đã có những động thái điều chỉnh để đón trước làn gió ngược này.
Trên thực tế, NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý I/2024 bởi các biến động từ thị trường thế giới. Nhưng nhờ các giải pháp can thiệp, tỷ giá đã bớt căng thẳng.
NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ, nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây, do cung tiền đã bị rút bớt, phát hành tín phiếu khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống.
NHNN hút ròng 63.431,41 tỷ VND từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 12.905,41 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 67.360 tỷ VND.
Lãi suất VND tăng cũng là nguyên nhân giảm áp lực tỷ giá. Ngay trong tuần đầu tháng 6, lãi suất huy động mới nhất tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục nhích tăng phổ biến từ 0,1 - 0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh gần 1%/năm.
Yếu tố thứ hai tác động đến tỷ giá có liên quan đến vàng. Hiện nay, Chính phủ và NHNN đang giải quyết những tồn tại của thị trường vàng. NHNN mới đây có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, TP phối hợp triển khai về quản lý thị trường ngoại hối và vàng. Đặc biệt là các hoạt động về thu đổi ngoại tệ; nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định...
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tháng 5 đánh dấu bước chuyển về mặt chính sách tiền tệ với nhiều hành động từ phía NHNN nhằm kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và vàng. Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD. Theo đó, diễn biến bên ngoài hiện đang khá thuận cho việc điều hành tỷ giá nên VDSC cho rằng kịch bản cơ sở là tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500 đồng.
Áp lực tỷ giá với Việt Nam đã “bớt dần”
Trong tuần này, Fed sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 12/6. Dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng sẽ được công bố trong cùng ngày. Kết quả của những sự kiện này cũng có thể tác động đến thị trường tiền tệ.
Giới phân tích đưa ra dự đoán khả năng Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản kỳ này, song sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng 9 tới.
Một số nhà phân tích đều chỉ ra tốc độ giảm của tỷ giá có thể chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm cải thiện. Tuy nhiên, sức ép tỷ giá nhiều khả năng sẽ “nguội” dần về cuối năm. Điều này là có cơ sở vì về cuối năm, dòng tiền từ kiều hối, giải ngân FDI và xuất khẩu sẽ giúp cân bằng lại nhu cầu USD. Cụ thể, thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 5 tháng 2024 đạt 8 tỷ USD; dòng vốn FDI thực hiện 5 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD (+7,8% so với cùng kỳ), và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 5 tháng 2024 tăng 64,9% so với cùng kỳ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
“Xét về mặt nhu cầu ngoại tệ theo chu kỳ, thực tế cầu có khả năng sẽ tăng vào thời gian gần cuối năm. Tuy nhiên đây cũng là lúc tăng tốc xuất khẩu và tăng thu ngoại tệ, kiều hối tăng mạnh… nên nguồn cung sẽ dồi dào hơn. NHNN có thể linh hoạt mua và bán để đảm bảo củng cố dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá theo mục tiêu tùy từng thời điểm”- các chuyên gia của Shinbank Bank phân tích. Đồng thời cho rằng, tỷ giá giảm dần sau khi ngân hàng trung ương các nước lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên.
Mới đây, tại buổi họp về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tương đối về tỷ giá.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Với các giải pháp điều hành của NHNN như phát hành tín phiếu để giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, bán USD ra thị trường để kịp thời can thiệp thị trường. Hiện, các nhu cầu ngoại tệ chính đáng, hợp pháp đều được các ngân hàng đáp ứng.
Tỷ giá giảm sẽ phần nào giải toả giúp các doanh nghiệp. "Với thời điểm hiện tại, tỷ giá USD sẽ giảm dẫn đến chi phí đầu vào của các đơn hàng thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, gia tăng được doanh thu cho doanh nghiệp" - ông Tống Minh Phương - Quản lý Mua hàng Quốc tế, Công ty CP EMIN Việt Nam chia sẻ.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tỷ giá ổn định sẽ giúp giảm áp lực tăng mặt bằng lãi suất. Như vậy sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.