Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá bất động sản vẫn tiếp tục lao dốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường bất động sản tiếp tục miễn nhiễm trước những thông tin nới tín dụng và ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Giá đất nền tiếp tục giảm mạnh và không có thanh khoản.

Thông thường, cuối năm là thời điểm thị trường bất động sản sôi động bởi các luồng tiền đầu tư được ưu tiên tập trung cho thị trường này. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, do chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng nhà nước thị trường rơi vào trạng thái tê liệt, giá đất liên tục có các đợt giảm sâu 20-30%.

Cuối tháng 9, thị trường léo lên tia hy vọng khi Bộ xây dựng và Ngân hàng nhà nước đã có nhiều cuộc họp bàn về các giải pháp cứu thị trường và doanh nghiệp xây dựng. Trong đó, vấn đề nóng nhất được đặt lên bàn thảo là việc đưa một số khoản mục đầu tư bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất.

Đến cuối tháng 11, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định đưa 4 nhóm bất động sản ra khỏi danh sách “đen” đó là cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại buổi họp báo mới đây đã chính thức ra thông điệp về Chính sách tiền tệ năm 2012, trong đó khẳng định sẽ có chính sách tín dụng cho BĐS. “Trong nền kinh tế của một nước đang phát triển như Việt Nam thì thị trường kinh doanh BĐS cũng là động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhưng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì từ tích cực có thể chuyển sang tiêu cực làm cho thị trường này phát triển quá mức, tạo ra những “bong bóng” gây rủi ro cho xã hội. Nếu thị trường BĐS đóng băng thì cũng có hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách nhìn thực tế để không làm cho bong bóng BDDS tăng lên nhưng đồng thời khơi dậy hoạt động thị trường ở mức độ hợp lý”.

Ngay sau khi Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp này thì một số ngân hàng thương mại đã quyết định hạ lãi suất cho vay xuống mức 19%/năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tuy không tuyên bố hạ lãi suất nhưng nới điều khoản về tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng như cho vay thời hạn tới 20 năm, thời gian ân hạn tối đa tới 36 tháng. Khách hàng có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo....

Mặc dù những thông tin tốt như vậy liên tục đưa ra nhưng thị trường bất động sản dường như miễn nhiễm. Thậm chí giá đất nhiều dự án tiếp tục cắm đầu lao dốc trước thời điểm 31/12 khi thời gian đáo hạn ngân hàng đang cận kề.

Theo khảo sát phóng viên, tình trạng bán tháo đất dự án lại bắt đầu xuất hiện Tại nhiều dự án “vàng” một số lô đất đã được chào bán với giá “bèo” nhưng vẫn không có khách mua.

Đơn cử như dự án Vân Canh, giá các lô đất diện tích lớn 140m2 trở lên hiện còn 38-40 triệu đồng/m2,  dự án Gleximco khu A liền kề vị trí đẹp được chào bán hơn 65 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm thị trường sốt nóng, giá khu A nhiều lô chào bán ngót nghét 100 triệu đồng/m2. Tại khu C, các căn liền kề được chào bán nhiều ở mức giá 40 triệu đồng/m2, đường 11,5m giá 37 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô liền kề trên 30 triệu đồng/m2, dự án Bắc 32 (CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm) giá 33 triệu đồng/m2, dự án Nam An Khánh giá trên 30 triệu đồng/m2.

Dự án Thanh Hà 22-25 triệu đồng/m2, dự án đô thị mới Văn Khê giá 75 triệu đồng/m2, dự án Parkcity mức chênh lệch so với giá gốc giảm từ 300 triệu đồng/lô xuống còn 50 triệu đồng/lô, giá đất dự án Văn Phú (Lê Trọng Tấn kéo dài) hiện có mức trung bình 60-65 triệu đồng/m2 các khu nhà liền kề đường to, đường nhỏ khoảng 55-58 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, mặc dù giá đất dự án giảm mạnh nhưng gần như không có người mua.

Theo chị Phạm Nguyệt Nga – Giám đốc sàn bất động sản Phát Lộc, thông thường những lô đất dự án được chào bán rẻ hơn thị trường vài triệu đồng/m2 các văn phòng nhà đất sẽ mua vào ngay. Nhưng, thời điểm hiện nay chẳng văn phòng nào muốn nhập bởi mua rồi không thể bán được cho ai mà trong bối cảnh này không biết bao giờ mới có thể thanh khoản được.

Trước đó, theo các chuyên gia tài chính, thời điểm cuối quý IV, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục có các đợt bán tháo dự án bởi những doanh nghiệp nào phải đáo hạn trước ngày 31/12/2011 thì bắt buộc phải có nguồn tài chính đủ để đáp ứng nguồn cần trả. Vì vậy, nếu tránh được các hệ lụy từ việc quá hạn ngân hàng thì việc giảm bao nhiêu phần trăm để có được lượng tài chính đủ trả cho ngân hàng mà không bị phạt cao hơn thì vẫn được coi là có lãi. Do áp lực từ phía ngân hàng nhiều nhà đầu tư bằng giá nào họ cũng phải bán để thu tiền về.