Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê 14/1: Áp lực bán tháo đẩy Robusta giảm mạnh

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 14/1 trong khoảng 39.100 - 39.900 đồng/kg. Con số xuất khẩu cà phê tháng 12/2021 là 169.349 ngàn tấn, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2020. Thông tin trên lập tức khiến thị trường bán mạnh, đưa giá Robusta về mức thấp nhất 1,5 tháng qua.

Giá cà phê 14/1: Áp lực bán tháo đẩy Robusta giảm mạnh
Giá cà phê 14/1: Áp lực bán tháo đẩy Robusta giảm mạnh

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.100 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 500 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 giảm 45 USD/tấn ở mức 2.237 USD/tấn, giao tháng 5/2022 giảm 31 USD/tấn ở mức 2.202 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 3,85 cent/lb ở mức 237 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 3,7 cent/lb ở mức 236,95 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, áp lực bán thanh lý trên sàn London mạnh kéo theo cả 2 sàn cà phê kỳ hạn giảm đáng kể. Nguyên nhân đà giảm một phần do báo cáo tháng 12/2021 của Hải quan về xuất khẩu cà phê tháng 12/2021 của Việt Nam tăng mạnh. Theo đó, con số xuất khẩu là 169.349 ngàn tấn, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2020. Thông tin trên lập tức khiến thị trường bán mạnh, đưa giá Robusta về mức thấp nhất 1,5 tháng qua.

Việt Nam hiện đang là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Với vai trò then chốt như vậy trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, diễn biến giá và những tin tức của thị trường cà phê thế giới có ảnh hưởng không nhỏ tới giá cà phê nội địa. Đồng thời, diễn biến nguồn cung Việt Nam cũng có những tác động trực tiếp đến giá Robusta thế giới.

Trong vòng một năm qua, cà phê là mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được mức giá cao, trong khi giá các loại hàng hóa khác như dầu thô, kim loại hay nhóm nông sản đều đã giảm mạnh từ đỉnh.

Nếu chỉ nhìn vào đà tăng của giá cà phê thế giới và các số liệu xuất khẩu tích cực của nước ta cuối năm 2021, thì khó có thể hình dung ra được những khó khăn mà doanh nghiệp cà phê trong nước phải đối mặt.

Do giá thế giới tăng cao, hầu hết các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đều nhanh chóng mua gom hàng với số lượng lớn và với giá cao. Vì vậy, nguồn cà phê dành cho các nhà sản xuất Việt Nam bị thụt giảm lớn về số lượng. Đáng chú ý, lượng cà phê tồn kho ở Việt Nam cho niên vụ 2021/22 giảm 22% so với niên vụ trước, và là năm đầu tiên sụt giảm sau chuỗi tăng 3 năm liên tiếp.

Muốn tiếp tục sản lượng như mọi năm, nhà sản xuất cà phê phải mua vào cà phê trái tươi với giá cao gấp đôi năm 2020/21. Điều này dẫn đến hai hệ luỵ, một là, vốn đầu tư cho mùa vụ tăng cao bất thường và hai là, giá cà phê đầu ra sẽ tăng cao từ 1,5 đến 2 lần.

Nhiều năm qua, khách hàng chính của chuỗi cà phê nội địa đã quen với việc có một giá thành tương đối ổn định, hoặc điều chỉnh vừa phải. Vì thế, nâng giá bán cao quả là một thách thức đối với chủ quán cà phê, những người vừa có một năm khó khăn với đại dịch Covid-19 và nhận biết rõ sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng.

Rất nhiều các nhà sản xuất cà phê nhân, nhà rang xay cà phê và các quán cà phê đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán này, và có thể đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động trước sức ép về giá cả và dòng tiền.