Giá cà phê hôm nay 10/1: Vì sao cà phê xuất khẩu khó vượt ngưỡng 42 triệu đồng/tấn?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 10/1 trong khoảng 40.000 - 40.800 đồng/kg. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần. Thị trường trong nước có nhộn nhịp thì cũng chỉ trong vòng 1 - 2 tuần nữa, sau đó các cơ sở chế biến đóng cửa nghỉ Tết.

Giá cà phê hôm nay 10/1: Vì sao cà phê xuất khẩu khó vượt ngưỡng 42 triệu đồng/tấn?  
Giá cà phê hôm nay 10/1: Vì sao cà phê xuất khẩu khó vượt ngưỡng 42 triệu đồng/tấn?  

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Tổng hợp tuần trước, thị trường trong nước giảm 700 - 800 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 tăng 9 USD/tấn ở mức 2.316 USD/tấn, giao tháng 5/2022 tăng 11 USD/tấn ở mức 2.266 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 6,75 cent/lb ở mức 238,45 cent/lb, giao tháng 5/2022 tăng 6,45 cent/lb ở mức 238,3 cent/lb. Kết thúc tuần đầu tiên năm 2022, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 mất 54 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 12,35 cent/lb.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, hiện nay không chỉ Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) mà cả ở châu Âu, hay tại nhiều nước khác đều rục rịch tăng lãi suất. Một thời kỳ mới trong chính sách tiền tệ bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh tài chính, trong đó có 2 sàn cà phê phái sinh của thế giới. Điều này khiến thị trường bị cuốn theo một cách thụ động và những nhà kinh doanh chịu nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Quang Bình dẫn chứng, năm 2021 lượng tiền của các quỹ "đầu cơ" lên đến 4 nghìn tỷ USD, đủ sức tạo "sóng''. Mới đây, Jeff Currie - Giám đốc toàn cầu của bộ phận nghiên cứu hàng hóa thương phẩm ngân hàng Goldman Sachs cho biết, rất tin giá hàng hóa thương phẩm “tiềm năng hướng tăng còn kéo dài đến cả chục năm". Nhưng cuộc chiến về thông tin trên thương trường, trong đó có cà phê sẽ rất phức tạp.

Vị chuyên gia chỉ rõ, những thất bại trước đây trong kinh doanh cà phê đã xảy ra là: Nhà nông và giới kinh doanh hàng thực nhỏ lẻ hay đầu cơ giá lên (mua trước bán sau), người kinh doanh hàng giấy thích đầu cơ giá xuống (bán trước mua sau). Cho nên, người tham gia thị trường cà phê hiện nay nên hết sức tỉnh táo để xem mua cà phê trữ chờ giá lợi nhiều hay hại nhiều, trong bối cảnh lãi suất đồng USD càng lúc càng cao.

''Trên thị trường nội địa, giá cà phê xuất khẩu đang được bán ở mức chênh lệch trừ thấp nhất lịch sử (-450/-500 Usd/tấn Fob). Giả sử như đồng nội tệ của Việt Nam mất giá, liệu người mua có để yên hay là tính ngay vào giá mua bằng cách trừ nhiều hơn... cũng chính vì thế mà giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong thời gian qua khó vượt khỏi 42 triệu đồng/tấn, trong khi chiều xuống có vẻ rình rập nhiều hơn'', ông Nguyễn Quang Bình nhận định.

Dự báo năm 2022, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Ngoài ra, tình hình lạm phát còn theo chân giá cà phê phái sinh. Nếu như lạm phát trong năm 2021 là yếu tố có ảnh hưởng đến thị trường và giá cả nhiều nhất, thì tác động của nó sẽ còn nối liền năm trước đến năm 2022, không chỉ về mặt tiêu cực mà cả tích cực.