Giá cà phê hôm nay 12/12: Cà phê nội địa cao nhất 4 năm nay nhưng nông dân vẫn thiệt thòi, đâu là giải pháp?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 12/12 trong khoảng 40.800 - 41.600 đồng/kg. Việt Nam đang vào cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên cà phê vụ mới được đưa ra thị trường với khối lượng nhỏ giọt, và sẽ tăng lên đáng kể khi vào đầu năm mới 2022.

Giá cà phê hôm nay 12/12: Cà phê nội địa cao nhất 4 năm nay nhưng nông dân vẫn thiệt, đâu là giải pháp?
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.500 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.400 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.500 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Kết thúc tuần, cà phê trong nước giảm trung bình 400 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 25 USD/tấn ở mức 2.376 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 15 USD/tấn ở mức 2.291 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 7,6 cent/lb, ở mức 232,6 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 7,3 cent/lb, ở mức 232,35 cent/lb.

Tổng hợp tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 giảm 10 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 7 USD/tấn, cấu trúc giá đảo nghịch được thu hẹp; giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 11,45 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 11 cent/lb.

Giá cà phê 2 sàn sụt giảm với lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã dẫn tới việc thanh lý kéo dài, trong khi tỷ giá đồng Reais hiện đang ở mức có lợi để người Brazil bán mạnh. Trong khi đó, đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 1/2022 tại London cũng khiến nhà đầu tư điều chỉnh cân đối vị thế đang nắm giữ.

Thị trường Việt Nam đang vào cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên cà phê vụ mới được đưa ra thị trường với khối lượng nhỏ giọt, và sẽ tăng lên đáng kể khi vào đầu năm mới 2022.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, hiện giá thành sản xuất đang rất cao, từ phân bón, xăng dầu, thực phẩm, giá sinh hoạt, kể cả thuê lao động thu hái cà phê... Hiện nay, với mức giá 42 triệu đồng/tấn - cà phê được cho là cao nhất tính từ 4 năm nay, chắc chắn người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trước áp lực bán mạnh từ Brazil, nhất là Robusta của nước này do giá phái sinh tăng, nhà vườn và giới xuất khẩu cà phê Việt Nam khó lường định giá trong nước theo diễn biến tăng của thế giới. Đó là chưa kể, khi sàn London tăng thì chưa chắc giá nguyên liệu trong nước được cộng thêm tương ứng.

Do vậy, ông Nguyễn Quang Bình đánh giá, nếu như không có một chính sách hỗ trợ nào đó cho những người tự làm thị trường đơn độc, gồm nông dân và một số nhà xuất khẩu tầm nhỏ và trung, như mở kho kèm với cấp chứng từ có giá, xác nhận đã giao hàng kèm theo với tạm ứng tiền, hay chứng từ này được phép làm giấy tờ thế chấp "tài sản" để vay ngân hàng, thì giá cà phê nội địa khó có bề "cất cánh" trong niên vụ mới.

Vị chuyên gia nhìn nhận, vào những ngày cuối năm 2021 và trước Tết Nguyên đán, áp lực bán mạnh từ Việt Nam sẽ gây áp lực lên giá trong nước chứ không nhất thiết từ giá các sàn phái sinh. Do vậy, dù giá cà phê nội địa hiện thời quanh mức cao nhất tính từ 4 năm nay, thì giá cà phê trong nước ở phía trước vẫn là một rủi ro rất lớn đối với nông dân trồng cà phê. Như thế, cách mua bán của nhà vườn cần ''theo thời" và nên theo phương châm “tự cứu mình trước khi trời cứu”, tức bán theo từng đợt theo sóng giá nội địa tăng, chứ không nên ghìm hàng lâu.