Giá cà phê hôm nay 17/7: Arabica có tuần khủng hoảng, Robusta về gần 1.900 USD/tấn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 17/7 trong khoảng 41.000 - 41.500 đồng/kg. Tỷ giá đồng USD tăng mạnh khiến giá cà phê Arabica mất gần 10% trong tuần. Trong khi đó Robusta về gần ngưỡng nguy hiểm 1.900 USD/tấn.

Giá cà phê hôm nay 17/7: Arabica có tuần khủng hoảng, Robusta về gần 1.900 USD/tấn  
Giá cà phê hôm nay 17/7: Arabica có tuần khủng hoảng, Robusta về gần 1.900 USD/tấn  

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.400 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.300 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.400 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm sáng qua. Tổng kết tuần này, giá cà phê nội địa giảm trung bình 700 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 giảm 7 USD/tấn ở mức 1.923 USD/tấn, giao tháng 11/2022 giảm 11 USD/tấn ở mức 1.924 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 4,5 cent/lb, ở mức 199,8 cent/lb, giao tháng 11/2022 tăng 3.85 cent/lb, ở mức 196,6 cent/lb.

Tổng hợp tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 giảm 47 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 giảm 20,65 cent/lb. Giá cà phê trên sàn New York đã có tuần giảm rất sâu.

Mở đầu tuần này, giá cà phê kỳ hạn trên cả 2 sàn đã lao dốc khi USDX bật tăng mạnh mẽ, đẩy hầu hết giá cả hàng hóa vào thế suy thoái do phần lớn nhà đầu tư thận trọng ra đứng bên ngoài các thị trường nói chung để chờ đợi nghe ngóng thêm tin tức và chuyển vốn đi tìm nơi trú ẩn an toàn. Tỷ giá đồng Real giảm thêm 1,97% xuống ở mức 1 USD = 5,3720 R$ đã hỗ trợ người Brazil mạnh tay bán hàng khiến giá cà phê kỳ hạn giảm sâu.

Đà giảm của cà phê kéo dài sang ngày hôm sau (13/7), và hồi phục nhẹ vào phiên giữa tuần (14/7). Nguyên nhân sự hồi phục do các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ trong tháng vẫn có phần lạc quan. Chỉ số CPI tháng 6 đã tăng 1,3% so với tháng trước, đạt mức 9,2% (so với dự báo là 8,6%). USD giảm nhẹ giúp giá cà phê tại thị trường nội địa Brazil lấy lại màu xanh khi các nhà xuất khẩu tăng mua.

Tuy nhiên, sang phiên hôm sau giá cả hàng hóa đồng loạt lao dốc khi lo ngại về suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao và khả năng Fed tăng lãi suất USD cao hơn dự kiến. Điều này đã gây ra sự bi quan cho các nhà đầu tư trên khắp các thị trường tài chính. Báo cáo thời tiết cho biết, vào cuối tuần này sẽ có một khối khí lạnh đi vào vùng trồng cà phê ở miền nam Brazil làm thời tiết khô ráo, nhưng sẽ không có khả năng gây ra sương giá. Thông tin trên cũng ảnh hưởng đến giá Arabica.

Kết thúc tuần này, thị trường diễn biến trái chiều, khi USDX sụt giảm đã hỗ trợ hầu hết các hàng hóa lấy lại phần nào thua lỗ của phiên trước. Báo cáo tồn kho Arabica giảm xuống mức thấp 23 năm và Cecafé báo cáo xuất khẩu tháng 6 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước đã hỗ trợ giá cà phê Arabica đảo chiều hồi phục. Trái lại, giá cà phê xuất khẩu từ các nhà sản xuất Robusta chính vẫn duy trì ổn định với mức chênh lệch trừ (Dif.) đáng kể trong khoảng 100 - 120 USD/tấn so với giá kỳ hạn London, do những vấn đề về logistics vẫn chưa được thông suốt. Điều này tiếp tục đẩy Robusta giảm.

Trên thực tế, thị trường cà phê Arabica hàng thực ở Brazil không hoạt động trong cả tuần. Giá cả giảm mạnh ở New York đã khiến việc thương mại bị đình trệ. Có một số doanh nghiệp đã đóng cửa. Không có người bán xuất hiện trong các cơ sở giá được cung cấp.