Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 22/10: Robusta tăng 3 ngày liên tiếp, Tây Nguyên rốt ráo tìm nhân công thu hái vụ mới

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 22/10 trong khoảng 39.8700 - 40.700 đồng/kg. Robusta giữ được đà tăng, trong khi Arabica quay đầu giảm vì đồng Real của Brazil bất ngờ xuống thấp nhất 6 tháng qua.

Giá cà phê hôm nay 22/10: Robusta tăng 3 ngày liên tiếp, các tỉnh Tây Nguyên rốt ráo tìm nhân công thu hái vụ mới. Ảnh: Vũ Sinh
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.800 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.600 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.600 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.500 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.600 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 100 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 1 USD/tấn ở mức 2.116 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 4 USD/tấn ở mức 2.135 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 2,25 cent/lb ở mức 203,3 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 2,2 cent/lb ở mức 206,5 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, giá cà phê 2 sàn thế giới diễn biến trái chiều, Robusta giữ được đà tăng, trong khi Arabica quay đầu giảm vì đồng Real của Brazil bất ngờ xuống thấp nhất 6 tháng qua.

Thị trường vẫn còn lo ngại nguồn cung chưa chắc chắn từ 2 nhà sản xuất hàng đầu, bất chấp báo cáo thời tiết hiện nay đã tỏ ra thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Trong đó, người trồng cà phê ở Tây nguyên bày tỏ sự lo lắng do thực hiện giãn cách xã hội sẽ làm thiếu hụt công nhân thời vụ, khi thu hoạch vụ mùa sẽ mở rộng ngay đầu tháng 11 sắp tới. Bên cạnh đó, ngành y tế các địa phương này chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 nên việc tiếp nhận nhân công di chuyển ở những vùng khác tới tham gia thu hái sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không lường trước được.

Ghi nhận của báo Đăk Nông, Đắk R’lấp là một trong những địa bàn có diện tích cà phê lớn của tỉnh. Điều đặc biệt, cà phê ở khu vực này thường chín sớm hơn những vùng khác. Hiện nay, cà phê trên địa bàn đã bắt đầu chín bói, người dân bước vào vụ thu hái.

Gia đình anh Trần Văn Phú, ở thôn 8, xã Đắk Ru, có 7 ha cà phê đang cho thu hoạch. Hơn 15 ngày qua, vợ chồng anh Phú tranh thủ hái được 1,5 tấn quả tươi. Dự kiến, khoảng vài tuần nữa, vợ chồng thu hái xong đợt 1.

Những năm trước, anh Phú thuê được 10 nhân công ở tỉnh Điện Biên vào thu hái cà phê từ đầu vụ. Tuy nhiên, năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người lao động không thể di chuyển, nên đến nay anh vẫn chưa thuê được người nào.

"Hiện tôi đăng thông tin trên zalo, facebook tìm nhân công, nhưng chưa có phản hồi nào. Tôi cũng đã hỏi nhiều vùng tại địa phương, nhưng rất khó để thuê được nhân công", báo Đăk Nông dẫn lời anh Phú cho biết.

Toàn huyện Đắk R’lấp có gần 20.000 ha cà phê, phân bổ trên tất cả các xã. Đến thời điểm hiện tại, một số khu vực, cà phê đã chín và người dân bắt đầu thu hoạch.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, năm nay cà phê được mùa, giá đang ở mức cao hơn nhiều so với năm trước (khoảng 40 triệu đồng/tấn), nên người dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, nông dân lại đang lo lắng vì thiếu nhân công thu hoạch. Cà phê có đặc thù là thu hoạch cùng một thời điểm, trên diện rộng, nên việc đổi công thu hoạch cho nhau thường rất khó thực hiện.

Tại tỉnh Lâm Đồng có khoảng hơn 173.000ha cà phê cho thu hoạch vào năm 2021. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, để thu hoạch hết diện tích cà phê trên vào cuối năm 2021 cần khoảng hơn 7,8 triệu công lao động. Thời gian thu hoạch cà phê kéo dài trong khoảng 3 tháng cuối năm, tuy nhiên lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 45-50%.

Ở Đắk Lắk, có 209.700 ha cà phê, trong đó có khoảng 190 nghìn ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng năm nay dự kiến đạt 557 nghìn tấn cà phê nhân. Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Khắc Hiển cho biết, hằng năm có hàng nghìn lao động theo mùa vụ ngoài tỉnh về Đắk Lắk giúp người dân thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn cho nên trên địa bàn thiếu nghiêm trọng nhân công thu hái cà phê.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp các địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các phương án cụ thể thu hoạch cà phê trong điều kiện dịch được kiểm soát hoặc dịch diễn biến phức tạp. Rà soát lại lực lượng lao động tại địa phương để cân đối nguồn lao động vừa bảo đảm thu hoạch vừa phòng, chống dịch, ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ theo hình thức đổi công cho nhau.

Đồng thời, tận dụng lực lượng lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương đã hoàn thành thời gian cách ly, xét nghiệm âm tính tham gia thu hoạch cà phê; phối hợp các tỉnh không xảy ra dịch để cung ứng nguồn lao động cho địa phương. Trong trường hợp thiếu nhân công thì đề xuất UBND tỉnh huy động lực lượng quân đội tham gia thu hoạch cà phê cho nhân dân...