Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 28/9: Khó khăn bủa vây trước vụ thu hoạch cà phê mới ở Tây Nguyên

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 28/9 trong khoảng 39.400 - 40.300 đồng/kg. Robusta buộc phải bán bớt khi ở trong tình trạng dư mua quá lâu. Trong khi đó trên sàn New York giới đầu cơ chốt lãi trước ngày khóa sổ kinh doanh, do vậy thị trường cà phê thế giới có phiên điều chỉnh giảm ngay đầu tuần này.

Giá cà phê hôm nay 28/9: Khó khăn bủa vây trước vụ thu hoạch cà phê mới ở Tây Nguyên
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.100 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 300 - 400 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 giảm 27 USD/tấn ở mức 2.121 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giảm 14 USD/tấn ở mức 2.115 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 0,7 cent/lb ở mức 193,65 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 0,7 cent/lb ở mức 196,45 cent/lb.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, giá cà phê Robusta buộc phải bán bớt khi ở trong tình trạng dư mua quá lâu. Trong khi đó trên sàn New York giới đầu cơ chốt lãi trước ngày khóa sổ kinh doanh, do vậy thị trường cà phê thế giới có phiên điều chỉnh giảm ngay đầu tuần này.

Thế giới lại vào ''cơn sốt'' mới. Đó là giá năng lượng tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đồng thời khiến giá thành sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại châu Âu tăng 250% trong khi tại châu Á tăng 175%. Giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tại nhiều nước Âu Mỹ tăng. Nhiều nhà sản xuất thép, phân bón… phải ngừng sản xuất hay giảm công suất. Các nước ôn đới đang lo mùa rét tới nhiều nơi thiếu chất đốt.

Giá nhiên liệu và vận tải tăng sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản xuất nông sản tăng, trong đó có cà phê.

Với thị trường trong nước, giao dịch cà phê tại Việt Nam tuần qua vẫn yếu do thiếu nguồn cung. Chuyên gia Nguyễn Quang Bình đánh giá, sức mua yếu nguyên nhân do: Người bán chưa chấp nhận giá xuất khẩu tính trên chênh lệch so với giá niêm yết quá thấp, trên 200 USD/tấn FOB dưới giá London chẳng hạn; Lo ngại rủi ro về giá một khi London tăng cao, hàng khó giao do người bán có thể thiếu chân hàng do bán khống; Lệnh phong tỏa đang còn được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất và trung tâm logistics, làm các bên mua bán chưa định được hướng kinh doanh vì mua bán xong, liệu hàng khi nào mới đi được.

Còn 1 vài tuần nữa Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch năm nay. Theo ghi nhận, nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ khi mà lợi nhuận thu được không đáng là bao. Ngoài chi phí đầu tư vào sản xuất vẫn tăng đều đặn qua các năm, hiện nay mối lo trước mắt đang là thiếu nhân công thu hái. Nguyên nhân do tình hình dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn phải áp dụng các biện pháp mạnh phòng dịch.

Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH - MTV cà phê Ia Grai (tỉnh Gia Lai) nhận định: “Hiện tại công ty quản lý hơn 1.000 ha, sản phẩm cà phê nhân xô hàng năm ước đạt trên 3.000 tấn. So với năm ngoái nhìn chung sản lượng cà phê năm nay đạt hơn năm ngoái 10-15%. Riêng về vấn đề nhân công, đối với năm nay không chỉ Nông trường Ia Grai mà hầu hết tất cả những công ty khác cũng lo lắng về vấn đề này. Trước tình hình này công ty đã đề ra nhiều phương án, trước mắt sẽ cho người dân thu hái sớm hơn, đồng thời kéo dài thời gian thu hoạch nhằm đảm bảo về nhân công”.