Giá cà phê hôm nay 29/11: Giải mã đà tăng của cà phê thế giới, nông dân Việt vẫn... lỗ |
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.500 đồng/kg.Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp.Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.400 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.400 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Tổng kết tuần trước, thị trường cà phê trong nước tăng 500 - 600 đồng/kg.Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 tăng 16 USD/tấn ở mức 2.308 USD/tấn, giao tháng 3/2022 tăng 9 USD/tấn ở mức 2.237 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, sau 1 ngày tạm nghỉ giao dịch lễ Tạ ơn, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 2,45 cent/lb, ở mức 243,85 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 2,45 cent/lb, ở mức 242,95 cent/lb.Tính chung tuần qua, thị trường London có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giữa tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng tất cả 63 USD, tức tăng 2,81 %, lên 2.308 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 40 USD, tức tăng 1,82 %, lên 2.237 USD/tấn.Trong khi đó, thị trường New York có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng tất cả 9,55 cent, tức tăng 4,09 %, lên 242,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 8,75 cent, tức tăng 3,75 %, lên 242,15 cent/lb.Theo các chuyên gia, mối lo thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cà phê kỳ hạn trên cả 2 sàn lên mức cao 10 năm qua. Tuy nhiên, sự thiếu hụt chỉ là nhất thời trong ngắn hạn, vì vấn đề ở chỗ tác động tiêu cực của dịch bệnh làm việc giao hàng xuất khẩu bị chậm lại, nhất là sự ách tắc vận chuyển rất trầm trọng tại các cảng quốc tế ở Bờ Đông có thể kéo dài tới giữa năm sau.Tương tự như vậy, nguồn cung cà phê Robusta từ các nhà sản xuất lớn ở Đông Nam Á cũng bị đình trệ. Dự kiến sắp tới, lô hàng đầu tiên sau đợt giãn cách kéo dài trong vài tháng qua mới được lên tàu để đi châu Âu với khối lượng rất đáng kể. Trong khi đó, Brazil và Colombia khẳng định họ không thiếu hàng để giao cho nhà xuất khẩu một khi lĩnh vực hậu cần không còn gây trở ngại. Trong tuần qua, thông tin ông Powell tiếp tục tại là người đứng đầu Ngân hàng trung ương Mỹ đã thổi luồng gió tích cực vào thị trường cà phê thế giới, nhưng đến cuối tuần, tin tức về biến thể mới của Covid-19 đã cản trở đà tăng, do lo ngại các nước tái áp đặt những lệnh phong tỏa.Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, tuần qua, tuy giá cà phê thế giới tăng mạnh nhưng thị trường trong nước biến động không tương xứng. Niên vụ 2021, hàng trăm nghìn ha cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ thu hoạch không kịp thời vụ, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng do tình trạng “khát” nhân công lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dự kiến vụ thu hoạch sẽ kéo dài hơn so với mọi năm.Theo ghi nhận, giá cà phê tăng nhưng giá nhân công tăng, phân đạm gần gấp đôi, người nông dân vẫn lỗ sau thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) thông tin trên báo Giao thông, gia đình có 1 ha cà phê, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 2 tấn cà phê nhân, bán được khoảng 80 triệu đồng. So với giá cà phê năm ngoái thì doanh thu từ trồng cà phê của nhà bà Lương tăng được 20 triệu, nhưng thực tế gia đình không được thêm đồng nào, thậm chí còn lỗ. Trồng cà phê muốn có ăn thì ít nhiều cũng phải bón phân, xịt thuốc. Mà giá phân bón tăng vô tội vạ thế thì giá cà phê có tăng thế, tăng nữa cũng không đuổi kịp giá phân bón.Theo ông Hồ Gấm - Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông, năm nay giá cà phê tăng cao. Tuy nhiên, mức giá đó so với chi phí đầu vào quá lớn, nông dân vẫn chưa thực sự có lãi, nếu không muốn nói nhiều chủ vườn cà phê vẫn còn bị lỗ... Nhưng cà phê mỗi năm chỉ thu hoạch một lần. Trong thời gian chờ đợi, để có tiền trang trải hàng trăm thứ, nông dân nghèo chấp nhận mượn tiền tại các đại lý phân bón, đại lý cà phê. Đến khi có được hạt cà phê nào thu về, chủ nợ liền trừ dần vào số nợ.