Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 30/11: Biến thể Omicron kìm đà tăng, cà phê rớt giá mạnh do lo ngại nhu cầu giảm

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 30/11 trong khoảng 40.000 - 40.800 đồng/kg. Thị trường lo ngại các nước tăng cường biện pháp phong tỏa, cấm hàng quán, cấm nhập cảnh, đóng cửa du lịch... kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm theo.

 Giá cà phê hôm nay 30/11: Biến thể Omicron kìm đà tăng, cà phê rớt giá mạnh do lo ngại nhu cầu giảm

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.600 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.600 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm mạnh so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 50 USD/tấn ở mức 2.258 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 40 USD/tấn ở mức 2.197 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 10 cent/lb, ở mức 233,85 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 9,95 cent/lb, ở mức 233 cent/lb.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê 2 sàn biến động mạnh, giảm sâu. Nguyên nhân được đánh giá do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, khiến các quốc gia lại chìm thêm vào cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Thị trường lo ngại các nước tăng cường biện pháp phong tỏa, cấm hàng quán, cấm nhập cảnh, đóng cửa du lịch... kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm theo.

Tháng 10/2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 99.249 tấn, tăng hơn 8 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn tháng 9 chừng 1 nghìn tấn. Trong khi đó, Uganda báo xuất khẩu kỳ này đạt 486.534 bao, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2020 trong đó 426.148 bao tăng 14,8% và Arabica đạt 60.386 bao tăng 6,4%.

Hiện khu vực Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công thu hái cà phê. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Đối với cà phê vối, trung bình 1 lao động thu hái được 320 kg tươi/ngày và bình quân 1 héc-ta cần 44 công lao động. Đối với cà phê chè, 1 lao động thu hái bình quân 180kg tươi/ngày và bình quân 1 héc-ta cần 98 công lao động. Dự kiến, lượng công lao động cần thiết phục vụ cho nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ năm nay khoảng gần 8 triệu công. Trong đó, hiện lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 45 - 50%, còn lại phải huy động nhân lực ngoại tỉnh.

Những năm trước, khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, lực lượng lao động từ các nơi đổ về địa phương nhiều nên vấn đề nhân lực không bị thiếu. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về địa phương rất khó.

Để chủ động giải quyết bài toán nhân công thu hái cà phê và khắc phục tạm thời tình trạng trên, các địa phương đã có văn bản khuyến cáo rà soát, tận dụng lao động tại chỗ, huy động các tổ chức đoàn thể, thành lập các tổ, nhóm liên kết giữa các hộ theo khu vực, thực hiện đổi công. Ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước để hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.