Đầu vào tăng, đầu ra giảm
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội. Dịch bệnh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do giá sản phẩm lên xuống thất thường, chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.
Sau đợt càn quét của dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi lợn đã bắt đầu phục hồi. Hiện tổng đàn lợn của cả nước đạt 28,1 triệu con vào năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4,18 triệu tấn. Tuy nhiên, người chăn nuôi chưa hết khó khăn bởi giá lợn hơi luôn trong tình trạng bấp bênh và đang có xu hướng giảm dần.
Năm 2021, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, bùng phát gần 700 ổ dịch tại 42 tỉnh, TP, gây chết và tiêu hủy gần 120.000 con lợn. Dịch tả lợn châu Phi đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn lợn, dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc nước ta phải nhập khẩu thịt lợn, thậm chí cả lợn sống về giết mổ làm thực phẩm.
Sau một thời gian ngắn tăng giá cao, từ đầu năm 2021, giá lợn thịt thế giới chững lại và giảm do sự tăng trưởng nguồn cung của Trung Quốc, EU và Brazil. Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021 giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30 - 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 45.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 54.000 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022. Sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Thị trường lợn thịt biến động như trên đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ lợn giống. Từ tháng 1 đến tháng 6/2021, giá lợn giống luôn ở mức trên 2,4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, sau khi giá lợn thịt giảm, giá lợn giống giảm mạnh xuống 1,4 - 1,6 triệu đồng/con vào tháng 8 - 9/2021. Từ cuối tháng 10/2021 đến nay, giá lợn giống duy trì 1,1 - 1,3 triệu đồng/con.
Trong khi giá lợn hơi giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng kỷ lục. Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 - 22%. Chi phí thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi, nên lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại bị thua lỗ khi đầu ra giảm, đầu vào tăng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, nguyên nhân khiến giá lợn hơi không thể tăng cao là do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp, trong khi một số tập đoàn, DN lớn giảm giá lợn hơi và đưa ra mức chiết khấu tốt cho các thương lái, đơn vị duy trì mua đều hàng ngày. Với giá lợn hơi như hiện nay thấp hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Ước tính mỗi tạ lợn, nông dân bù lỗ 300.000 - 400.000 đồng.
Nhiều nông hộ “rơi rụng”
Đối diện khó khăn kép, thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi nông hộ đã không thể cầm cự và đành bỏ cuộc chơi. Trong 5 năm qua, tỷ lệ giảm chăn nuôi nông hộ là 5 - 7%/năm, riêng năm 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 - 20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50 - 60%.
Cả nước hiện có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên, với tổng đầu con 11,7 triệu con, chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó bao gồm cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn có 1.627 cơ sở, nuôi từ 1.500 con lợn trở lên, chiếm 24,2% tổng đàn lợn của cả nước; có 10.687 cơ sở chăn nuôi lợn từ 100 con trở lên, chiếm tỷ lệ 11,4 %; cơ sở chăn nuôi lợn quy mô nhỏ có 8.529 cơ sở, chiếm tỷ lệ 6,1 %.
Ông Đồng Văn Đệ (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) có hơn 30 năm chăn nuôi lợn nhưng hiện nay cũng đành “rửa tay gác kiếm” vì không chèo chống được qua khó khăn. “Lúc cao điểm, gia đình tôi chăn khoảng 60 con lợn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chăn nuôi đầu vào tăng, đầu ra giảm như hiện nay, càng chăn sẽ càng lỗ. Tôi đành để chống chuồng chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường” - ông Đệ chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm dần trong cơ cấu chăn nuôi là sự phát triển tất yếu để hướng đến nền chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, qua đó cũng phản ánh sự khắc nghiệt, khó khăn của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua.
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, kế hoạch đến năm 2030, cả nước nâng tổng đàn lợn ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%.
Để hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn hồi phục và phát triển, đại diện Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi; phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (được phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020). Bên cạnh đó, kiến nghị với Quốc hội cho giảm các loại phí, thuế thu nhập DN trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng hoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.
Đối với các địa phương, cần chỉ đạo xây dựng và phê duyệt vùng được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời, quy định mật độ chăn nuôi… theo quy định của Luật Chăn nuôi và kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư cho chăn nuôi. Song song với đó, kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm từ xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu con giống, sản phẩm chăn nuôi trái phép.