Giá cao su hôm nay 15/9/2020: Giữ đà tăng khả quan

Theo VOH.com.vn
Chia sẻ Zalo

Giá cao su ngày 15/9 giữ đà tăng khả quan. Tuy nhiên, lượng cao su tồn kho trên sàn Thượng Hải đang tăng gây lo ngại về dư cung.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 15/9/2020, lúc 11 giờ 30, kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 6,4 yen/kg, ghi nhận ở mức 183,3 yen/kg.
Giá kỳ hạn tháng 12/2020 hiện ở mức 186,7 JPY/kg, tăng 5,9 JPY so với phiên hôm 14/9.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 145 CNY lên mức 12.420 CNY/tấn.
Giá kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 140 CNY và đang ở mức 11.545 CNY/tấn (số liệu cập nhật vào 8h44 ngày 15/9/2020).
Sàn Thượng Hải hôm nay tăng phiên thứ 4 liên tiếp, nối đà tăng từ cuối tuần trước. Các nhà máy sản xuất cao su Trung Quốc đã khôi phục hoạt động, nhu cầu dần tăng lên. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết lượng cao su lưu kho trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,7% so với tuần trước, làm tăng lo ngại về dư cung. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 11,6% so với cùng tháng năm trước lên 2,19 triệu chiếc, tháng thứ 5 tăng liên tiếp.
Nguồn cung từ nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu là Thái Lan đang thắt chặt bởi thiếu hụt lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây tiếp tục là tin tốt nâng giá sàn Nhật Bản tăng cao
Nhập khẩu cao su của Ấn Độ giảm mạnh tại nhiều thị trường

Các thị trường lớn cung cấp cao su cho Ấn Độ như Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Nga đều sụt giảm mạnh cả lượng và giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Ấn Độ, đạt 25,24 nghìn tấn, trị giá 38,23 triệu USD, giảm 46,3% về lượng và giảm 43% về trị giá.
Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ giảm từ 11,1% trong 5 tháng đầu năm 2019, xuống còn 7% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm từ 25,4% trong 5 tháng đầu năm 2019, xuống còn 16,7% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore tăng.
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm nhưng tỉ trọng vẫn tăng

Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm nhẹ nhất trong 7 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này tăng đến 35,3% so với cùng kì năm ngoái.
Về các chủng loại nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 1,32 tỉ USD, giảm 29,8% so với cùng kì năm 2019, chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 75,44 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kì năm 2019. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,7% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 9,6% của 7 tháng đầu năm 2019.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 22,7% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 23,9% của 7 tháng đầu năm 2019.