Thực tế đang có nghi ngờ không loại trừ một hợp lực của nhiều đối tượng hưởng lợi đang cố gắng thổi phồng tăng trưởng của DN để đánh lên giá cổ phiếu.
Giá cổ phiếu đã quá đắt và tăng phi lýNhìn trang điện tử của VNDIRECT sau chốt phiên ngày 28/6/2021 cho thấy hàng loạt mã cổ phiếu có chỉ số P/E và chỉ số P/B quá cao. Cổ phiếu đắt hay rẻ tùy vào khẩu vị từng nhà đầu tư nhưng định giá trong phân tích cơ bản thì 2 chỉ số này có ý nghĩa phổ quát. Nếu định giá theo chỉ số P/E nhà đầu tư đang nhìn về thu nhập của cổ phiếu trong tương lai thì định giá theo chỉ số P/B (số tiền phải trả cho 1 đồng vốn chủ sở hữu) nhà đầu tư đang chú trọng giá trị thật của cổ phiếu hiện tại.Hàng loạt cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch có chỉ số P/E không chỉ vài chục lần mà năm bảy chục lần, thậm chí đến hàng trăm, hàng nghìn lần. Chẳng hạn tại sàn HOSE chỉ số P/E của cổ phiếu mã ABS là 48 lần, ABH 127, BDR 35, CTF 86, GAB 1.219, MSN 85, VIC 58, VJC 52 và NVL 43 lần… Tại sàn HNX mã ARM 152 lần, BSC 63, PPE 268, THD 58, HTB 49 lần,…Tại sàn UpCOM mã ACV là 158 lần, BVL 261, IME 219, VEF 120 lần… Với chỉ số P/E như vậy có nghĩa nhà đầu tư phải sau ba, bốn chục năm đến năm, bảy chục năm, trăm năm, thậm chí sau nghìn năm mới thu đủ vốn đầu tư (giả định chỉ số P/E không đổi).Giá cổ phiếu tăng giảm xoay quanh giá trị thực sổ sách một biên độ hẹp là chuyện bình thường. Nhưng rõ ràng khi chỉ số P/B vượt ngưỡng 1 lần thì phần vượt đó là giá trị ảo của cổ phiếu. Hiện chỉ tính 29/30 cổ phiếu thuộc nhóm VN30 sàn HOSE đã có chỉ số P/B lớn hơn 1 lần. Trong đó, có 25/30 cổ phiếu vượt ngưỡng 2 lần; 13/30 cổ phiếu vượt ngưỡng 3 lần; 9/30 vượt ngưỡng 4 lần; 5/30 vượt ngưỡng 5 lần; thậm chí mã VNM hơn 6 lần, NVL gần 7 lần, MSN gần 8 lần và mã PDR gần 9 lần. Điều này cho thấy giá cổ phiếu trên thị trường đã quá đắt đỏ. Giờ đây tài sản bong bóng không phải đâu đó một ít cổ phiếu bị thao túng mà dường như phần lớn cổ phiếu đang giao dịch tài sản bong bóng. Nhà đầu tư đang bất chấp, kê sóng kiếm lời hay đang quá mức lạc quan? Tại sao nhiều DN, chẳng hạn các công ty hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng cổ phiếu của họ vẫn tiếp tục tăng giá trong khi lợi nhuận âm hàng trăm tỷ đồng, nợ hàng nghìn tỷ đồng và đang có nguy cơ phá sản.Điều hết sức lạ nếu tính từ đầu tháng 6 đến ngày 29/6 có 21 phiên giao dịch thì cổ phiếu CTCP hàng không VietJet (VJC) trên sàn HOSE có 13 phiên tăng giá, 8 phiên giảm giá, tăng giá gần 13%. Hoặc tại sàn HNX, cổ phiếu CTCP Thaiholdings (THD) giá rất cao và sự tăng giá lại hết sức phi lý. Chốt phiên 29/6 TDH có giá 204.200 đồng, gấp 26,38 lần so với cùng kỳ năm 2020. TDH tăng giá siêu tốc được thị trường cho là Thaiholdings đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục trong năm 2020 so với cùng kỳ. Năm 2020 công ty đạt lợi nhuận trước thuế 1.276 tỷ đồng, tăng 2.123% so với năm 2019. Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Thaiholdings cho thấy trong tổng lợi nhuận đạt được chủ yếu là lợi nhuận khác từ thanh lý tài sản tại công ty con. Đây là hiện tượng tăng trưởng lợi nhuận đột xuất rất dễ xuất hiện trên báo cáo tài chính của các công ty mô hình mẹ con nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu. Cho nên TDH tăng giá siêu tốc cần đặt câu hỏi nghi ngờ về sự phi lý.Sẽ đổi chiều trong ngắn hạnCó nhiều lý do để dự đoán giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh trong quý III/2021:Thứ nhất, phong trào tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức của nhiều DN niêm yết (đặc biệt khối ngân hàng) sẽ bùng nổ từ đầu quý III. Bên cạnh phát hành trả cổ tức, nhiều DN sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn theo kế hoạch từ đầu năm 2021. Phát hành thêm cổ phiếu sẽ gây hiệu ứng pha loãng, tức giá cổ phiếu bị điều chỉnh. Cụ thể với giá cổ phiếu MBB đang mức 43.500 đồng, nếu MB phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 35%, khi đó giá của 1,35 cổ phiếu MBB là 43.500 đồng, tức giảm gần 26%. Thứ hai, tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các DN có cổ phiếu đang dẫn dắt thị trường chắc chắn không như kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4 hoành hành phức tạp hơn nhiều các đợt trước. Từ quý II giá cổ phiếu ngành ngân hàng tăng chóng mặt nhờ báo cáo lợi nhuận khủng quý I và dự kiến quý II nhưng rõ ràng lợi nhuận các ngân hàng sẽ giảm nhiều trong 6 tháng cuối năm. Bởi một mặt các ngân hàng buộc phải giảm bớt lợi nhuận để cứu DN đang chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Mặt khác, thông thường ngân hàng phải tiến hành trích đủ dự phòng vào quý IV nên ảnh hưởng lợi nhuận cả năm.Thứ ba, dòng tiền đổ vào TTCK đang có tín hiệu cạn dần bởi hạn mức margin của các công ty chứng khoán đã chạm trần. Không ít công ty chứng khoán đang có động thái tích cực để phát hành bổ sung cổ phiếu tăng vốn điều lệ cải thiện hạn mức margin. Nhưng như nói trên, việc phát hành thêm đó sẽ làm cho giá cổ phiếu giảm, nếu tăng giá phải có độ trễ ít nhất hàng quý. Bên cạnh dòng tiền margin, dòng tiền cho vay của ngân hàng cũng đang có xu hướng thắt chặt. Hiện chỉ số P/E toàn thị trường đã hơn 19, tương đương giai đoạn 2007 - 2008 là rất nóng. Vì vậy các ngân hàng không thể thờ ơ quản trị rủi ro để chuốc lấy thêm một lần nữa gánh nặng nợ xấu do hậu quả của TTCK.Thứ tư, chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới bắt đầu từ FED là xu hướng tất yếu. Theo công bố của FED lãi suất USD sẽ tăng trong năm 2023 nhưng có thể sớm hơn vào năm 2022. Tại Việt Nam nguồn tiền lớn đang kích nóng TTCK dù có thể qua các kênh khác nhau nhưng suy cho cùng chủ yếu từ xuất quỹ ngân hàng. Không thể đo đếm chính xác nguồn vốn ngân hàng chạy vào TTCK nhưng một điều chắc chắn là nguồn vốn thanh khoản của ngân hàng đang ngày một bị bào mòn. Để khắc phục buộc ngân hàng phải nâng dần lãi suất tiết kiệm ngáng chân vốn chạy vào cổ phiếu.Thứ năm, ai được hưởng lợi lớn khi giá cổ phiếu liên tục lập đỉnh. Trước hết là Công ty chứng khoán vừa tăng phí hoa hồng, tư vấn, vừa tăng lãi margin; hai là Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký tăng doanh thu; ba là DN niêm yết tăng vốn dễ dàng và có thu nhập lớn trong mua bán cổ phiếu quỹ; bốn là ngân hàng sẽ tăng lãi cho vay; năm là ngân sách Nhà nước tăng thuế thu nhập; sáu là một số nhà đầu tư tăng lợi nhuận. Nhưng ai sẽ thiệt hại lập tức khi giá cổ phiếu đảo chiều và giảm sâu? Không ai khác là các nhà đầu tư và trước hết là nhà đầu tư F0. Giá cổ phiếu đang quá nóng, do vậy hiệu ứng domino khi hàng triệu nhà đầu tư F0 tháo chạy là khó tránh khỏi.