Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tin tức kinh tế 4/5: lãi suất huy động có thể tăng

Kinhtedothi – Giá vàng thế giới giảm tuần thứ 2 liên tiếp; lãi suất huy động có thể tăng; kích cầu để đạt mục tiêu bán lẻ, tiêu dùng tăng 12%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/5.

Lãi suất huy động có thể tăng

Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm thời gian qua và hiện đang ở mức thấp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhiều khả năng mức lãi suất này có thể tăng thêm 1 - 2% trong thời gian tới.

Tin tức kinh tế 4/5: lãi suất huy động có thể tăng. Ảnh minh hoạ.

Hiện ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy đầu tháng 5/2025 vẫn chưa có sự biến động so với cùng kỳ tháng 4/2025.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 9 tháng cùng niêm yết ở mức 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên niêm yết lãi suất ở mức 4,7%/năm và là mức cao nhất. Tuần 21 - 25/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, một tuần, hai tuần giảm mạnh so với tuần trước đó, lần lượt đạt 2,46%, 2,88% và 4,18%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng việc cân bằng thanh khoản vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng khiến các đơn vị này đứng trước áp lực tăng lãi suất tiết kiệm. Cộng thêm động thái hút ròng 19.720 tỷ đồng trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, giới phân tích cho rằng lãi suất ngắn hạn có thể tăng trở lại trong các phiên giao dịch trong tuần tới. Chứng khoán KB Việt Nam dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1 - 2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5 - 1%).

Giá vàng thế giới giảm tuần thứ 2 liên tiếp

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay nhích nhẹ, giao dịch trên mức 3.239 USD/ounce, tuy nhiên tính chung cả tuần thì mức giá này ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn(SJC) niêm yết ở mức 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), mức giá này được giữ nguyên ở cả chiều mua và chiều bán so với hôm qua.

Trong khi đó, vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá ở mức 116,4 - 119,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên hôm qua.

Kích cầu để đạt mục tiêu bán lẻ, tiêu dùng tăng 12%

Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm kích cầu tiêu dùng nội địa: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện mua sắm kết hợp tất cả các địa phương tại các thời điểm thấp điểm trong năm. Đặc biệt là gắn du lịch, văn hoá với tiêu dùng, trong bối cảnh số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh. Đây là giải pháp để đưa bán lẻ - tiêu dùng tăng 12% trong năm nay, để tiêu dùng góp phần đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho cả năm 2025.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, người dân có kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày. Do vậy, nhu cầu mua sắm dự báo tăng khá mạnh 20-30% so với bình thường. Nắm bắt tâm lý này, nhiều hệ thống bán lẻ như Winmart, Go!, Sài Gòn Co.op… đã đưa ra các chương trình giảm giá mạnh từ 30-50%, tập trung vào hàng hóa tươi sống, tiêu dùng sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước.

Bất động sản xanh giữ giá ổn định, thu hút đầu tư

Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), công trình xanh có thể tăng giá trị tài sản đến 7% trong 5 năm, giúp tiết kiệm chi phí vận hành và thu hồi vốn nhanh. Chi phí đầu tư thêm cho công trình đạt chứng chỉ EDGE chỉ khoảng 2-3%, thu hồi vốn trong ba năm. Trong khi đó, những bất động sản xanh lại có giá trị dài hạn vì tuổi thọ công trình có thể kéo dài hàng trăm năm.

Khảo sát vào cuối năm 2024 cho thấy, 86% khách hàng quan tâm đến nhà xanh và 88% sẵn sàng chi thêm cho công trình này. Ngoài người tiêu dùng trong nước, các nhà đầu tư quốc tế cũng chú trọng tiêu chí ESG trong quyết định đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho chủ đầu tư tại Việt Nam.

Việc phát triển công trình xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chủ đầu tư trước nhu cầu mua bất động sản xanh ngày càng tăng.

Đề xuất bổ sung 44.000 tỷ đồng để tinh gọn bộ máy

Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội bổ sung tổng kinh phí 44.000 tỷ đồng trong dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Chính phủ kiến nghị sử dụng 15.710 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư chuyển sang năm 2025 và bổ sung thêm 28.290 tỷ đồng từ dự toán thu ngân sách Trung ương. Kinh phí này sẽ được chi trả theo quy định tại Nghị định số 178 và Nghị định số 67 của Chính phủ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng bị tác động trong quá trình sắp xếp tổ chức.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí và các nhiệm vụ phát sinh do tinh giản bộ máy. Dự kiến, riêng chính sách miễn học phí năm 2025 cần khoảng 4.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, để đảm bảo chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW, ngân sách Trung ương cần được bố trí thêm 25.000 tỷ đồng, tương đương 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đổi mới kinh tế để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình

Đổi mới kinh tế để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình

04 May, 08:23 AM

Kinhtedothi- Củng cố nền kinh tế tự chủ, tự cường gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là “đòn bẩy” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Với tầm nhìn chiến lược và đường lối đổi mới đất nước hiện nay, sẽ tạo nên thành quả bứt phá.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ