Kinhtedothi - Lâu nay, trên tuyến đường trọng điểm Trần Phú - Nguyễn Trãi xuất hiện một số xe khách tuyến cố định, giả dạng xe buýt bằng màu sơn vàng đỏ, ung dung hoạt động.
Điều đáng nói, tuyến đường này đã cấm xe khách trên 24 chỗ hoạt động mọi khung giờ trong ngày. Ung dung “bát phố” Tuyến Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - một trong những tuyến đường trọng điểm, có mật độ giao thông cao nhất Thủ đô. Hiện, một số công trình nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn thi công dang dở, mặt đường nhiều đoạn bị thu hẹp. Mỗi ngày vào giờ cao điểm, đoạn đường từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến cầu Hà Đông đều rơi vào cảnh ùn ứ nghiêm trọng. Thậm chí đôi lúc, nhiều xe buýt các tuyến 39, 21… còn phải đi tắt qua cầu Mỗ Lao, sang đường Lê Văn Lương để tránh ùn tắc. Thế nhưng, có một nghịch lý là rất nhiều xe khách tuyến cố định lại giả dạng xe buýt bằng cách sơn màu vàng đỏ và ngang nhiên đi vào đoạn đường cấm này.
Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi đã ghi nhận ít nhất 4 trường hợp như trên, bao gồm các xe: 33H - 6142, 33M - 0338, 29B - 156.35 đều chạy tuyến Yên Nghĩa - Sơn Tây và xe 33M - 0357 chạy tuyến Đục Khê - Xuân Khanh. Các xe này trực thuộc Công ty CP Xe khách Hà Tây, đều là xe tuyến cố định, trọng tải từ 29 - 45 chỗ nhưng sơn màu vàng đỏ, giả dạng xe buýt để đi vào đường cấm trong giờ cao điểm. Thậm chí, khoảng 8 giờ sáng 10/5, ngay trước mắt tổ tuần tra của Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ đối diện Học viện An ninh, các xe này vẫn ung dung đi về phía Bến xe Yên Nghĩa mà không hề bị kiểm tra, xử lý. Chiều ngược lại, tài xế xe 33H - 6142 len lách trong đám đông phương tiện đang ùn ứ, nhọc nhằn vượt nút cổ chai tại ngã ba Chiến Thắng - Trần Phú hệt như một chiếc xe buýt chính hiệu. Không hiểu chiếc xe này bằng cách nào có thể qua mắt 3 chốt kiểm soát của Đội CSGT số 7 để thản nhiên đi từ Bến xe Yên Nghĩa lên đến tận ngã ba này, hơn nữa, còn tiếp tục hành trình dài xuyên tâm TP để “tiện đường” đón khách. Trách nhiệm của ai? Để tìm hiểu đầy đủ thông tin hơn về loạt xe buýt “nhái” chạy qua phố cấm trong giờ cao điểm, chúng tôi đã liên hệ với chỉ huy Đội CSGT số 7 là Trung tá Đỗ Mạnh Ninh. Tuy nhiên, Trung tá Đỗ Mạnh Ninh từ chối trả lời và yêu cầu chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội mới đồng ý cung cấp thông tin. Tiếp tục tìm đến Công ty CP Xe khách Hà Tây, chúng tôi được bà Lộc, tự xưng là Trưởng phòng Nhân sự tiếp và hẹn sau một tuần sẽ trả lời, vì còn phải tìm hiểu xem các xe này có phải của Công ty hay không, và lãnh đạo đi vắng. So với quy mô hàng trăm chiếc xe đang quản lý, vận hành, chỉ 4 chiếc xe này chắc hẳn sẽ không làm mất nhiều thời giờ kiểm tra của Công ty CP Xe khách Hà Tây đến thế. Tình trạng buýt “nhái” tung hoành trên phố cấm này đã diễn ra hàng năm qua. Tuy nhiên, dư luận xã hội chỉ có cách tiếp tục sống chung với chúng và chờ đợi các đơn vị chức năng trả lời. Trong khi đó, tình trạng ùn ứ giao thông diễn ra đều đặn mỗi ngày vẫn đang khiến người dân vô cùng bức xúc, đặt ra nhiều nghi ngại về tính nghiêm minh của luật pháp và năng lực thực thi nhiệm vụ của Đội CSGT số 7. Chị Nguyễn Thị Huyền (Hà Đông) bức xúc: “Đường chật, xe đông, sáng nào cũng phải chen chúc với mấy "ông" xe dù, buýt giả thế này, mệt mỏi vô cùng. Lúc cao điểm ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội còn phải cắt bớt tần suất xe buýt thật qua tuyến đường này, thế mà buýt “nhái” chạy tự nhiên cứ như xe ưu tiên”. Một người dân khác thường xuyên qua lại tuyến đường vào các giờ cao điểm cho biết, các xe này lúc thì xuất hiện buổi sáng, lúc lại đi buổi chiều, cứ “nhè” giờ cao điểm để luồn lách vào phố cấm. “Họ thực sự qua mắt được lực lượng chức năng bằng cách giả dạng xe buýt hay có người bảo kê cho họ phá luật” - người dân này đặt câu hỏi. Cùng với người dân tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Trãi, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.