KTĐT - Thông tin nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng nhận hung táng từ tháng 7/2010 khiến cho người dân thủ đô bỗng dưng "dáo dác" tìm chỗ khi chết. Để tìm được một “mảnh đất dựng nhà” cho người đã khuất, họ buộc phải tản ra các nghĩa trang làng, xã xung quanh Hà Nội. Và vì thế, giá đất “chết” khắp Thủ đô đang rục rịch nóng lên từng ngày.
Nóng ngang đất mặt tiền
Kể lại chuyện tìm đất an nghỉ cho cụ nhà, anh Lê Trần Lưu (khu tập thể tăng thiết giáp, ngõ Vĩnh Hồ, Thái Thịnh) vẫn chưa hết ngao ngán. Cụ Đỗ Văn Kỉnh, bố vợ anh Lưu năm nay đã 79 tuổi nhưng bị bán thân bất toại từ hơn 1 năm trước. Theo lời các bác sỹ, cụ có thể đi bất cứ lúc nào nên gia đình phải chuẩn bị tinh thần từ trước. Vậy là dù không muốn, nhưng anh Lưu vẫn cùng vợ đôn đáo khắp nơi lo tìm đất cho ông.
“Ban đầu, chúng tôi định nếu có chuyện, sẽ đưa ông ra Văn Điển, nhưng lại nghe tin năm sau nghĩa trang không nhận người hung táng (chôn). Tìm các nghĩa trang làng xung quanh thì khó bằng lên trời”, anh Lưu nói.
Theo anh, mặc dù nhà gần ngay nghĩa trang Láng Hạ (số 27 Vũ Ngọc Phan) và nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), nhưng anh cũng không sao tìm cách đăng ký được một suất cho cụ.
“Lý do họ không bán đất, dù có trả cao là các nghĩa trang này chỉ tiếp nhận người làng, hoặc có quen thân. Không thuộc diện này, có trả bao nhiêu cũng khó”, anh Lưu ngậm ngùi.
Cụ Kỉnh thì ngày càng yếu. Anh Lưu và vợ cũng ngày càng cuống hơn. Nghe ai mách đất chỗ này “mua” được phần cho cụ, anh chị lại dáo dác đến đặt vấn đề nhưng đều nhận được lời từ chối. Hết nước, anh lên tận xã Xuân Phương, Từ Liêm hỏi mua với “hội đồng quản trang” ở đây.
Và cuối cùng, với cái giá ngất ngưởng 30 triệu cho 3m2 ở một xã cách trung tâm Hà Nội đến 20km đã thuyết phục được những người có trách nhiệm. Từ đó đến nay, khoảnh đất vàng vẫn được cắm dùi, chờ ngày cụ Kỉnh mất.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một loạt nghĩa trang trên địa bàn thành phố. Giá một phần “mộ tươi” (chôn người mới mất) tại nghĩa trang Mễ Trì ở mức 30 triệu đồng. Phí cải táng cũng ở mức xấp xỉ 10 – 20 triệu. Tính trung bình, mỗi m2 đất “chết” có giá tới 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu so với khu vực nghĩa trang trung tâm thì mức giá này còn khá mềm. Mấy ngày nay, cả nhà anh Nguyễn Văn Hùng (đường Láng, Hà Nội) phải huy động toàn bộ “lực lượng” đi tìm chỗ an nghỉ sẵn cho đứa em trai xấu số vừa bị tai nạn. Thương con, mẹ anh Hùng ra lệnh cả nhà “bằng giá nào cũng phải mua cho kì được mảnh đất nào gần nhà để nhỡ có việc, ngày ngày mẹ con vẫn còn được gặp nhau”.
Mất vài ngày bở hơi tai lang thang khắp các nghĩa trang quanh nhà, anh Hùng mệt mỏi kể: “Nhớ 3 năm trước tôi cũng đi tìm chỗ chôn cho ông chú, giá lúc đó cũng chỉ 7, 8 triệu đồng là kể cả tiền công đức cho quản trang rồi. Ngoảnh đi ngoảnh lại giá đất mộ đã tăng kinh khủng. Văn Điển cũng sắp tới ngày đóng cửa nên nhiều nơi lại được thể làm cao, hét giá trên trời”.
“Kinh hoàng nhất, có nơi giá đất còn leo đến tận 80 – 90 triệu đồng cho hơn 3m2 như ở khu vực chùa Láng”, anh Hùng ngao ngán nói.
Đỏ mắt tìm chỗ khi chết
Để tận mục những “mảnh đất vàng” dành cho người chết quanh địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã vào vai người đi mua đất xây mộ cho người thân. Đến nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính – Thanh Xuân), lấy cớ cần một khoảnh đất nhỏ để mai táng cho đứa con xấu số, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán của vị quản trang. Ông này cho biết: Mặc dù đất còn nhiều, nhưng là để dành cho người làng Nhân Chính.
“Nếu các anh không phải là người gốc ở đây thì khó lắm”, ông nói thêm.
Lý do ông đưa ra là đất khu vực Quán Dền thuộc quyền quản lý của Hội người cao tuổi. Muốn vào hay ra đều cần có ý kiến của nhân vật tên T – nhà gần đình Quan Nhân.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi vẫn có khá nhiều mộ thuộc khu vực này là của người tận Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả… Lai Châu. Thấy chúng tôi khẩn khoản yêu cầu, người quản trang cũng mách nước vào đình, cúng công đức 500.000 đồng để xin phép các cụ thì may ra mới được.
“Nhưng đó chỉ là tiền hương hoa thành tâm, còn phí đất bao nhiêu còn tùy duyên từng người”, ông cho biết.
Tiếp tục cuộc hành trình “tìm đất vàng” và cũng là “tìm duyên” cho người đã khuất, chúng tôi đến nghĩa trang Láng Hạ (27 Vũ Ngọc Phan). Nhưng, câu trả lời vẫn là “rất khó”. Ông cho hay, đến năm sau tất cả mộ chí còn lại ở khu vực này cũng phải di dời phục vụ cho quy hoạch nên không thể nhận thêm người.
Cần quản lý chặt để đất không hóa vàng!
Về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Thành Thái, trưởng ban Tang lễ thành phố Hà Nội. Ông Thái cho hay, hệ lụy từ việc Văn Điển ngừng nhận hung táng từ tháng 7/2010 là rất lớn.
“Những người có nhu cầu hiện đã tản ra các nghĩa trang nhỏ để tìm chỗ chôn. Thậm chí, họ tìm mọi cách và chấp nhận mọi giá để có nơi an nghỉ cho người thân. Chính điều này tạo ra sức ép rất lớn đẩy giá đất “chết” leo thang”, ông Thái nói.
Lý do được ông dẫn ra là: Tâm lý người dân vẫn rất muốn người đã khuất được chôn ở gần cho tiện hương khói, bởi vậy vấn đề đất nghĩa trang trong nội thành hiện vô cùng nóng.
Muốn giải quyết triệt để, theo ông Thái thành phố cần khẩn trương kiểm tra và quản lý nghĩa trang đến cấp xã, huyện. Bên cạnh đó, bản thân xã, huyện cũng phải quy hoạch lại diện tích chính xác phần dành cho người quá cố, tránh tình trạng cơi nới trái phép.
“Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ để có thể bình ổn giá loại đất đặc biệt này hiện nay cần quy hoạch xây dựng 4 nghĩa trang ở 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc, quy mô không cần lớn. Làm thế sẽ góp phần “giãn được dân cho người chết”, ông Thái đề xuất.
Nhưng, câu chuyện giá đất, người sống, người chết xem ra vẫn còn rất nhiều điều đáng nói...