KTĐT - Giải quyết các vấn đề rắc rối về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), hỗ trợ lãi suất cho người chưa có nhà ở vay vốn, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng...
Phá thế “đóng băng” địa ốc
Giải quyết các vấn đề rắc rối về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), hỗ trợ lãi suất cho người chưa có nhà ở vay vốn, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng... Theo nhiều chuyên gia, đó là những vấn đề căn bản nhất hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS) phát triển.
“Nếu làm đúng chuẩn vẫn hấp dẫn”
Tại Hội nghị và triển lãm quốc tế về thu hút đầu tư BĐS (VnTPO) do Hội BĐS Du lịch VN (VnTPA) tổ chức tại Tp.HCM trong 2 ngày 21 và 22/10, ông Marc Towsend - Tổng giám đốc (TGĐ) điều hành công ty CBRE VN - nhận định: “Thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi theo đà tăng trưởng khả quan của nền kinh tế. Bằng chứng là rất nhiều dự án được công bố trong thời gian gần đây, người sở hữu từ 2-3 căn hộ trở lên khá nhiều”.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Lam Sơn - TGĐ Công ty cổ phần Niềm Tin Việt (Vinatrust) - sự phục hồi của thị trường tập trung ở việc có nhiều dự án thuộc phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp khởi động.
Còn đại đa số các nhà đầu tư BĐS đang gặp phải những khó khăn bởi chính sách thuế. “Việc đánh thuế TNCN đối với các trường hợp chuyển nhượng hợp đồng góp vốn đã đẩy thị trường vào một thực trạng ảm đạm.
Theo tôi, thu thuế là đúng nhưng thu như thế nào và vào thời điểm nào là một vấn đề rất quan trọng”, ông Sơn nói.
Để đẩy mạnh việc thực hiện các công trình hạ tầng và qua đó tác động đến tiến độ các dự án BĐS, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết: “Bộ KH-ĐT đang chuẩn bị một đề án thí điểm mô hình đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo đó, nếu Nhà nước bỏ ra 1 đồng thì huy động tư nhân bỏ ra 2 đồng. Với cách làm này, trong những năm tới sẽ có hàng trăm tỉ USD đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Và như vậy, thay vì để thực hiện một công trình hạ tầng cần phải 10 năm, thì sẽ rút ngắn được thời gian xuống còn 3 năm. Từ đó, các dự án BĐS sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh của mình”.
Ông Đông tỏ ra rất “mặn mà” với nguyên tắc hành xử trong pháp luật đầu tư xây dựng các dự án khi nói rằng, phải tạo ra khung pháp lý công khai, minh bạch và nhất thiết phải thông qua đấu thầu rộng rãi.
Không nên hồi tố
Ông Nguyễn Lam Sơn cho rằng, có hai vấn đề thời sự cần bàn luận rốt ráo. Đó là tại sao không sử dụng nguyên tắc bất hồi tố trong việc thu thuế TNCN đối với lĩnh vực BĐS?
Nhiều người đã mua nhà đất từ cách đây nhiều năm, bây giờ muốn chuyển nhượng lại bị áp một mức thuế lên đến 25% trên chênh lệch giá vốn và giá bán, khiến cho thị trường ngưng trệ. Đây là một cách làm thiếu công bằng đối với các nhà đầu tư BĐS.
Vấn đề thứ hai là để kích thích nhu cầu của người dân, cần phải tạo điều kiện cho người chưa có nhà ở được hỗ trợ lãi suất vay khi mua nhà, chứ đừng nên quá chú trọng đến việc tài trợ cho các doanh nghiệp.
Một khi người dân được hỗ trợ lãi vay, sẽ bùng nổ về nhu cầu mua nhà để ở và đây chính là điểm khởi phát hợp lý về chương trình nhà ở xã hội mà Chính phủ đang khuyến khích đẩy mạnh.
Ông Sơn cũng đề xuất: “Phải áp dụng nguyên tắc bất hồi tố khi sử dụng chính sách thuế TNCN trong lĩnh vực BĐS”.
Ông Trương Thái Sơn, Phó TGĐ Công ty địa ốc Hoàng Quân, cũng cho rằng, việc thu thuế TNCN giữa bối cảnh thị trường BĐS đang trầm lắng là không phù hợp. “Một chính sách thuế trước khi áp dụng phải có một khoảng thời gian nhất định, ít nhất là 3-6 tháng, nếu không sẽ gây ra bất ổn cho thị trường”.