Giá dầu có một tuần tăng vọt lên mức kỷ lục

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã đẩy giá dầu trong tuần tăng vọt hơn 8% lên mức kỷ lục.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 kết thúc giao dịch tuần ở mức 91,59 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 4 ở mức 97,93 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần đã “rớt giá” về mức trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine làm tan vỡ dự đoán của một số người rằng thị trường dầu sẽ chứng kiến mức giá "ngày tận thế".

Khi Nga tiến vào Ukraine hôm 24/2 bằng đường bộ, đường không và đường biển, giá dầu thô đã tăng vọt trong một thị trường dầu vốn đã biến động. Cả Brent và WTI đã tăng hơn 8%. Brent lập đỉnh 105,79 USD/thùng trong khi WTI cũng xác lập kỷ lục 100,54 USD/thùng kể từ mùa thu 2014.

Lo ngại các lệnh cấm vận của phương Tây áp dụng đối với Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu vốn đang bị thắt chặt khiến giá dầu nhanh chóng chinh phục mức 3 con số. Các nhà phân tích đã dự báo giá dầu có thể lên tới 140 USD/thùng trong trường hợp xấu nhất là dòng chảy năng lượng bị gián đoạn. Tuy nhiên, trường hợp xấu đó đã không xảy ra.

Ngay trong chiều 24/2, giá dầu đã bắt đầu “hạ nhiệt” sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các lệnh trừng phạt mới mà không bao gồm bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến năng lượng – bánh mì và bơ của Nga.

Giá dầu còn tiếp tục trượt dài trong ngày 25/2 dù có lúc quay đầu leo dốc lên hơn 100 USD/thùng. Dù giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, nhưng tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 4,7%, WTI tăng khoảng 0,6%.

Giá dầu lại ghi nhận một tuần tăng sau một tuần “đứt gãy” chuỗi tăng 8 tuần liên tiếp trước đó. Dù chứng kiến giá dầu leo lên mức 3 con số, nhưng có vẻ như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng Tư thay vì “bơm” nhiều dầu hơn. OPEC + sẽ nhóm họp vào ngày 2/3 tới và đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong một nỗ lực “hạ nhiệt” giá dầu, Mỹ cho biết đang đàm phán với các nước tiêu thụ dầu lớn để cùng giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược của họ. Thông tin “xả kho” này đã có tác động một phần khiến giá dầu “đỏ sàn” hôm 25/2. Tuy nhiên, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group ở Chicago, tin tức xung quanh việc phát hành dự trữ có tác động tâm lý.

Một nhân tố khác có thể giúp giá dầu “giảm nhiệt” là một thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được sẽ phần nào giúp “giải” cơn khát cho thị trường dầu. Các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận hạt nhân Iran xóa bỏ các lệnh trừng phạt và tăng sản lượng vẫn là một con bài hoang dã, nhưng thị trường sẽ ngày càng cần thêm dầu.