Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu “đỏ sàn” vì quyết định của OPEC

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới đã giảm gần 5% trong phiên giao dịch ngày 25/5 về mức thấp nhất trong vòng hơn một tuần, do giới đầu tư thất vọng trước quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kéo dài thỏa thuận hạn chế sản lượng thêm 9 tháng nữa trong cuộc họp tại Vienna (Áo).

 Lá cờ biểu tượng của OPEC.

Theo đó, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 7 giảm 2,46 USD, tương đương 4,8%, xuống 48,90 USD/thùng tại Sở giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức giá thấp nhất kể từ 16/5 và là mức giảm mạnh nhất kể từ 4/5. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 7 cũng bốc hơi 2,50 USD, tương đương 4,6%, xuống 51,46 USD/thùng tại Sở giao dịch hàng tương lai ICE ở London.

Qua đó có thể nhận thấy, thị trường đã phát đi tín hiệu rằng, giới đầu tư muốn nhiều hơn kết quả tại cuộc họp của OPEC. Dù, việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm đã được dự báo từ trước, song giới đầu tư hy vọng rằng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn hoặc kéo dài thỏa thuận thêm 12 tháng thay vì chỉ kéo dài 9 tháng. Tất nhiên, việc giá dầu "đỏ sản" còn do ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị mà giới đầu tư quan tâm như cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran, Pháp, Anh; chuyến công du nước ngoài của Tổng thống  Mỹ Donald Trump và nhất là tình hình ở “điểm nóng” Trung Đông. 

Rất nhiều quốc gia vẫn còn dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng nên giá dầu thô lao dốc khiến chính quyền nhiều nước phải chi lượng lớn dự trữ ngoại hối để lấp lỗ hổng ngân sách. Ngoài việc khiến nhiều quốc gia như Nga và Ả Rập Saudi phải thắt lưng buộc bụng, giá dầu còn gây ra bất ổn tại nhiều nước sản xuất như Venezuela hay Nigeria. Việc gia hạn thỏa thuận cho thấy, OPEC lo ngại rằng, lượng tồn kho lớn sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu và cần thêm nhiều thời gian hơn kỳ vọng để kéo dài giảm lượng tồn kho, một phần cũng do việc nở rộ của hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Hiện tại, vẫn chưa biết liệu sản lượng dầu ở Mỹ có thể tăng lên tới mức nào, nhưng điều này đã bị coi là một trở ngại chính ngăn giá dầu tăng lên cao hơn, bất kể các thỏa thuận của OPEC.

Giới chuyên gia nhận định, trong thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư vẫn chưa nắm bắt được tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh của ngành dầu mỏ của Mỹ. Như vậy, cho đến khi tiến trình công nghệ dầu đá phiến của Mỹ ổn định trở lại, mối đe dọa chủ chốt đối với OPEC vẫn sẽ trong vòng bí ẩn. Bên cạnh đó, một điều chắc chắn rằng, xu hướng trên thị trường dầu mỏ có thể không thay đổi nhiều sau quyết định của OPEC, ít nhất là trong ngắn hạn. Đồng thời, giá dầu có thể sẽ vẫn giằng co giữa việc tăng sản lượng của Mỹ và cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa hoàn toàn “ngã ngũ”, bởi các nước tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sẽ tiếp tục theo dõi điều kiện thị trường và tổ chức một cuộc họp vào 2 tháng sau tại Nga. Sau cuộc gặp tại Nga, giới đầu tư sẽ tiếp tục chờ đợi tín hiệu từ cuộc họp thường kỳ của OPEC vào ngày 30/11.