Sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ được công bố một ngày trước cho thấy lượng cung dầu thô trong tuần qua ở Mỹ cao hơn dự báo của giới phân tích, thì hiện tại bản báo cáo việc làm tháng 1 của Bộ Lao động Mỹ đang có nguy cơ trở thành lực ép khiến giá dầu giảm sâu.
Mặc dù kinh tế Mỹ giảm 0,1% trong quý 4/2012, nhưng một loạt tín hiệu khả quan đã xuất hiện, đó là tiêu dùng tư nhân, đầu tư doanh nghiệp và thị trường nhà đất tại Mỹ đồng loạt đi lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Phiên giao dịch quốc tế đêm qua (31/1), giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới có sự điều chỉnh giảm nhẹ, do ảnh hưởng của bản báo cáo cho thấy số người thất nghiệp hàng tuần ở Mỹ tăng cao hơn dự báo.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/1, giá dầu New York thuộc hợp đồng trên giảm 45 xu xuống 97,49 USD/thùng. Cùng ngày, ở London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 55 xu lên 115,55 USD/thùng.
Theo số liệu thống kê của FactSet, đây là tháng 1 tăng giá tốt nhất của dầu thô kỳ hạn kể từ năm 2006, thời điểm đó giá dầu thô đã nhảy vọt tới 11,3%.
Tương tự dầu thô, chốt phiên 31/1, giá xăng tháng 2 giảm 0,4% xuống 3,026 USD/gallon, nhưng tăng 9,6% trong tháng 1. Đây cũng là tháng tăng giá tốt nhất của mặt hàng xăng từ tháng 2/2012 tới nay. Giá khí tăng 0,1% lên 3,339 USD/ triệu BTU trong phiên 31/1 nhưng giảm 0,3% trong tháng.
Giá dầu sưởi tăng 1 cent, tương ứng 0,4% lên chốt ngày 31/1 ở mức giá 3,13 USD/gallon. Tính chung cả tháng 1/2013, giá dầu sưởi tăng được 3,3%. Đây là tháng tăng giá đầu tiên của mặt hàng này kể từ tháng 8/2012 tới nay. Cả hai hợp đồng xăng, dầu sưởi tháng 2 đã hết hạn sau phiên 31/1.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore phiên sáng 1/2, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 3/2013 tăng 2 xu lên 97,51 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 31 xu lên 115,86 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu đi lên do thị trường lạc quan về sức khỏe kinh tế châu Âu và Mỹ. Một nhân tố nữa hậu thuẫn giá dầu là thống kê cho hay hoạt động chế tạo của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 1/2013.
"Sức khoẻ" của Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới - vững lên là dấu hiệu báo trước cho thấy nhu cầu cũng như giá dầu sẽ tăng.