Giá dầu bắt đầu phục hồi từ phiên 15/5 . Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 4/2013 đã tăng 0,1% so với tháng trước đó, chủ yếu nhờ đóng góp từ các lĩnh vực như xây dựng, may mặc... Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng Tư cũng đạt 419 tỷ USD, vượt dự kiến của giới phân tích.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên 16/5 trên thị trường Mỹ, bất chấp những dữ liệu kinh tế “không khả quan” của Mỹ, cùng thị trường dầu mỏ châu Á đảo chiều đi xuống trước đó.
Trong phiên này, thị trường đón nhận những thông tin không mấy tích cực, đầu tiên là từ Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước nữa (tính đến hết ngày 11/5) đã tăng thêm 32.000 lên 360.000 đơn. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư của Mỹ giảm từ 7,5% xuống 7,4% - mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Tiếp đến là thị trường nhà đất Mỹ với dấu hiệu đi xuống trong tháng Tư khi số công trình xây mới giảm tới 16,5% so với tháng Ba (song nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này vẫn tăng 13,1%). Đây cũng là lần đầu tiên số nhà xây mới tại Mỹ giảm trong vòng 3 tháng qua, đồng thời thấp hơn mức dự báo 970.000 căn của giới chuyên gia.
Tuy nhiên, số công trình được cấp phép mới lại tăng 14,3% lên mức hơn 1 triệu căn, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất Mỹ vẫn còn tiềm ẩn nhiều cơ hội phát triển.
Những thông tin xấu trên đã khiến giá dầu sụt giảm mạnh vào đầu phiên, nhưng đến cuối phiên, giá dầu lại được đẩy lên, lấy lại những gì đã mất trước đó.
Nguyên nhân chính là nhờ báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay lượng dầu dự trữ tại Mỹ trong tuần trước nữa đã giảm mạnh, tụt tới 600.000 thùng, dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đã tăng lên.
Bước sang phiên cuối tuần 17/5, xu hướng trái chiều lại tiếp diễn khi châu Á vẫn giảm trong khi thị trường Mỹ và châu Âu có phiên tăng giá thứ ba liên tiếp. Hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này là một số chỉ số kinh tế khá tích cực tại Mỹ được công bố trong ngày, trong đó có chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng ngoài dự kiến trong tháng Tư, làm khơi dậy những hy vọng vào tương lại tươi sáng hơn của nền kinh tế Mỹ.
Theo các nhà phân tích, đây là một chỉ báo quan trọng đối với các thị trường vì nó báo hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới đang chuyển mình vững chắc, qua đó cho thấy nhu cầu về dầu chắc chắn sẽ tăng lên trong mùa Hè này, khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và đi lại nhiều hơn. Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group cũng cho rằng chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng là một "nhân tố có lợi" cho giá xăng, bởi nó cho thấy nhu cầu về xăng sẽ tăng theo do mùa Hè là mùa du lịch (thường bắt đầu từ cuối tháng Năm).
Giá dầu phiên cuối tuần còn nhận được hỗ trợ từ thông tin cho hay, chỉ số kinh tế hàng đầu trong tháng Tư của hãng nghiên cứu Conference Board cũng đã phục hồi, và con số này chứng tỏ nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục được cải thiện với xu hướng đi lên là chủ đạo. Ngoài ra, vòng đàm phán giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của nước này vừa kết thúc mà vẫn không đạt được thỏa thuận nào về văn kiện xác định điều kiện tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran cũng là một nhân tố khác hậu thuẫn cho giá dầu.
Đóng cửa phiên 17/5, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 6/2013 tăng thêm 86 xu lên 96,02 USD/thùng, trong khi tại Luân Đôn, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2013 cũng tăng 86 xu lên xuống 104,64 USD/thùng. Hai mức chốt tuần này đều cao hơn so với các mức chốt của tuần trước nữa, lần lượt ở các mức là 94,25 USD/thùng và 102,42 USD/thùng.