Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu - nhân tố định hình cục diện thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được mệnh danh là “vàng đen” nên dù tăng hay giảm, giá dầu luôn là yếu tố nhạy cảm nhất với xung đột chính trị và suy thoái kinh tế đồng thời cũng là nhân tố hàng đầu để định hình cục diện thế giới.

Lật lại lịch sử, không ngạc nhiên khi những biến động quan trọng của thế giới trong vòng gần nửa thế kỷ qua đều gắn liền với sự thăng trầm của thị trường dầu mỏ.

Khủng hoảng đáng nhớ

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đáng nhớ nhất những năm 1970 bắt đầu từ ngày 17/10/1973 khi các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngừng cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu nhằm trừng phạt sự ủng hộ của các nước này với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria. Lượng cắt giảm tương đương với 7% sản lượng dầu mỏ toàn cầu thời kỳ đó nên chỉ trong 1 ngày, giá dầu đang từ 3,01 USD/thùng vọt lên lên 5,11USD/thùng và tăng đến gần 12 USD/thùng vào giữa 1974. Giá dầu thế giới tăng tới 86% trong vòng 1 năm cùng với sự bốc hơi 73% giá trị của thị trường chứng khoán Anh quốc năm 1973 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973 - 1975 trên quy mô toàn cầu với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát leo lên mức kỷ lục.

 
Khai thác dầu mỏ tại Iraq Assem Jihad.
Khai thác dầu mỏ tại Iraq Assem Jihad.
Chưa kịp hồi phục sau dư chấn của đợt tăng giá dầu năm 1973, cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran một lần nữa đẩy thế giới rơi vào khủng hoảng giá dầu năm 1979. Đầu năm 1978, Iran xuất khẩu 5,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 17% tổng sản lượng của OPEC nhưng cuộc cách mạng Iran lật đổ chính quyền quân chủ của Shah khiến sản lượng sụt giảm mạnh. Dù các nước thành viên OPEC đã đồng loạt tăng sản lượng nhưng giá mỗi thùng dầu vẫn nhảy vọt từ 15,85 USD lên 39,5 USD trong vòng 1 năm do sự sợ hãi của thị trường. Lệnh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran để trừng phạt chế độ mới của Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter đã đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng kéo dài 30 năm. Giá dầu tăng đẩy lạm phát lên tới 13,5% trong năm 1980 và buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải thực hiện chương trình thắt chặt tiền tệ. Hậu quả của suy thoái tồi tệ đến nỗi các ngành công nghiệp xe hơi, nhà đất, và sản xuất thép của Mỹ trong 10 năm sau vẫn chưa thể đứng vững.

Giai đoạn 1981 - 1986, các nước công nghiệp phát triển dường như vẫn chưa thể gượng dậy sau khủng hoảng kinh tế năm 1973 và 1979 nên nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới chậm lại. Hệ quả tất yếu là giá dầu lao dốc từ mức đỉnh 35 USD thiết lập năm 1981 xuống dưới 10 USD/thùng trong năm 1986. Trong cuộc chơi của giá dầu luôn có kẻ thắng – người thua. Và trong lần tụt dốc này, giá dầu giảm đã làm lợi cho các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu và các quốc gia đang phát triển nhưng lại gây tổn thất nghiêm trọng cho các nước xuất khẩu dầu ở Bắc Âu, Liên Xô và khối OPEC. Nhiều công ty nhiên liệu của Mexico, Nigeria, Venezuela đến bên bờ vực phá sản. “Vàng đen” bị thất sủng còn khiến khối OPEC mất đi sự đoàn kết vì cuộc chiến tranh giành thị phần và những biến cố trọng đại của lịch sử thế giới với sự tan rã của Liên bang Xô Viết.

Chiến tranh vùng Vịnh giữa Iraq và liên quân hơn 30 quốc gia do Mỹ lãnh đạo để giải phóng Kuwait nổ ra tháng 8/1990 khiến dầu lấy lại sức mạnh và tăng gấp đôi giá trị trong vòng 2 tháng (từ 17 USD lên 36 USD/thùng). Sau cuộc chiến, lệnh cấm xuất khẩu dầu toàn phần đối với Iraq và Kuwait đã lấy đi của thị trường dầu mỏ thế giới gần 5 triệu thùng mỗi ngày, khiến cơn sốt lần này kéo dài suốt 9 tháng. Tình trạng khan hiếm nguồn cung mới hạ nhiệt sau khi lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo giải phóng Kuwait nhưng nó đã khiến Washington phải trả giá đắt cho quyết định can thiệp quân sự của mình. Dầu tăng là một trong những yếu tố dẫn tới cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ và kéo Canada, Australia, Nhật, Anh vào vòng xoáy suy thoái.

Năm 2007, giá dầu leo thang tiến sát mốc 100 USD/thùng và làm bùng lên cuộc tranh chấp giữa các cường quốc về chủ quyền đối với những giếng dầu lớn và đáy biển ở Bắc cực cũng như Nam cực. Bong bóng bất động sản và hệ thống giám sát tài chính thiếu hoàn thiện của Mỹ đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát vào giữa năm 2007. Sự đổ vỡ lên đến cực điểm vào tháng 10/2008, lan rộng và đẩy nền kinh thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933. Càng khủng hoảng, dầu càng trở thành nơi trú ẩn an toàn nên có thời điểm giá dầu lên đến mức kỷ lục 145 USD/thùng.

Mùa xuân Ả Rập lan ra khắp Trung Đông và Bắc Phi năm 2011 đã gây ra sóng gió trên thị trường nhiên liệu và làm giá dầu duy trì mức trên 100 USD/thùng. Giá dầu mỏ tăng cao đã và đang ảnh hưởng kinh doanh chứng khoán, vận tải và nếu kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu mất khoảng 2%. Và trong lần mất gần 60% giá trị kéo dài từ cuối năm 2014 tới nay, dầu tiếp tục đẩy một số nước như Nga, Venezuela vào thế chân tường. Tuy nhiên trong cục diện thế giới đang hình thành, rủi ro luôn tiềm ẩn những cơ hội cho những quốc gia biết tìm ra hướng đi riêng của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu lao dốc sẽ giúp Nga có thêm động lực và quyết tâm để cải cách chính trị, tái cơ cấu nền kinh tế đã bộc lộ dấu hiệu già cỗi lỗi thời của mình. Rất có thể những nỗ lực này sẽ tạo ra một nước Nga mới với nền kinh tế năng động và hiệu quả hơn.