Giá dầu tăng ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá hàng hóa, trong đó có giá xăng dầu tăng đến chóng mặt, dẫn đến lạm phát tăng. Vậy, liệu lạm phát tại Việt Nam gia tăng và ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Giá dầu tăng nhưng không quá áp lực lên lạm phát

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Rearch), trong rổ hàng hoá tính lạm phát của Việt Nam, nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng 3,6%, trong khi nhóm giao thông chiếm 9,7%. Giá xăng tăng mạnh là nguyên nhân gây áp lực lên lạm phát, bởi ngoài việc giá xăng dầu tăng mạnh tác động ngay lập tức đến chỉ số giá giao thông thì đây còn là một nhân tố quan trọng đóng góp trong chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng như thép và điện.

Giá dầu tăng ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1Ảnh nguồn SSI.

Tuy nhiên, không phải đến khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra thì giá xăng mới tăng. Thực sự, giá xăng của Việt Nam đã tăng từ 11.730 đồng/lít lên đến 26.834 đồng/lít (kỳ điểu chỉnh gần nhất). Tính từ tháng 4/2020 đến nay giá xăng đã tăng 125% trong vòng gần 2 năm qua.

Xét từ đầu năm 2022, giá xăng mới chỉ tăng 12,8%, mà lạm phát được tính dựa trên tăng trưởng của giá xăng mức tăng không đáng kể, giá xăng tăng đã phản ánh vào CPI Việt Nam năm 2021.

Một bộ phận nhà đầu tư có e ngại về hiện tượng siêu lạm phát trong thời gian tới, nhưng SSI Rearch nhận định: Chúng ta không lo lắng về siêu lạm phát. Bởi siêu lạm phát xảy ra khi chỉ số lạm phát tăng trưởng hàng nghìn phần trăm mỗi năm và nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.

Hiện tại, với con số mục tiêu giữ lạm phát ở ngưỡng 4% của Việt Nam thì siêu lạm phát khó xảy ra. Giá xăng dầu thế giới đang tăng nhanh, giá xăng trong nước bị kéo theo nhưng điều này chỉ xảy ra trong ngắn hạn.

Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước có thể tạm dùng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng để điều hành. Tình trạng khan hiếm “nóng” của giá dầu thế giới rồi cũng sẽ giảm, từ đó, đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá của các nguyên vật liệu khác sẽ chững lại.

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Việt Nam vẫn đang ở mặt bằng giá thấp do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc tốt cho đàn con nuôi. Do đó, giá các mặt hàng này sẽ không tăng quá cao, đẩy lạm phát lên.

Chính phủ có thể đưa công cụ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, kể cả giá dịch vụ để không bị tăng mạnh. Do đó, theo SSI Rearch: Mặc dù xung đột Nga - Ukraine có thể đẩy giá dầu lên cao, tuy nhiên áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm nay không lớn, kỳ vọng Chính phủ vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng thế nào?

Lạm phát là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực lên lãi suất. Khi lạm phát cao, các nhà hoạch định chính sách buộc phải dùng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, năm nay lạm phát của Việt Nam dự kiến sẽ giữ ở mục tiêu 4%, vì vậy lạm phát không phải yếu tố đáng lo ngại cho thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, đó là: Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công và duy trì lãi suất thấp ít nhất là thêm một năm nữa. Mặc dù lãi suất có thể chạm đáy trong năm 2022, nhưng xu hướng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế.

Biểu đồ hướng đi của TTCK Việt Nam. (Nguồn SSI)
Biểu đồ hướng đi của TTCK Việt Nam. (Nguồn SSI)

Theo kịch bản cơ sở của SSI Rearch, lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022, và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, khi một số mặt hàng tại Mỹ, châu Âu bị gián đoạn nguồn cung từ Nga như: Phân bón, thủy sản, gỗ, than… sẽ là cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Do đó, SSI Rearch đưa ra nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3 vẫn có những điểm sáng.

Cụ thể, về định giá, hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Trong ngắn hạn, biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến TTCK Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.

Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng 3, bao gồm: Kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa ĐHCĐ bắt đầu. Xét về dòng tiền dẫn dắt thị trường, xuất hiện ở nhóm xây dựng và bất động sản, chứng khoán. Còn nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu tích lũy và phân hóa, khả năng cần 1-2 tuần.

Nhóm bất động sản - xây dựng và vật liệu xây dựng ghi nhận dòng tiền vào và đang tạo nền tích cực, bởi gói đầu tư công thuộc Chương trình 350.000 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ tháng 4/2022. Đây là chất xúc tác mạnh cho nhóm đầu tư công trở lại sau giai đoạn điều chỉnh và tích lũy tạo sóng mới.

Xét về kỹ thuật: Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, nếu chỉ số VN-Index giữ vùng hỗ trợ này đi cùng với thanh khoản cải thiện dần thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm lại vùng đỉnh cũ 1.530 điểm.

Để xác định xu hướng tăng trở lại, chúng ta có thể quan sát VN-Index phá vùng cản ở 1.520 kèm thanh khoản tăng. “Trong nguy, có cơ”, SSI Rearch đưa ra khuyến cáo nhóm cổ phiếu có triển vọng, trong tháng 3 là FCN, LCG, DPG, HSG, HPG, NKG, HBC, HTN, VCG, IDC, HAH, TCH, VPB, MWG, DGC, PNJ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần