Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng, giá xăng giữ nguyên từ chiều 22/8

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/8, Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể mỗi lít dầu tăng thêm từ 730 - 850 đồng, các mặt hàng xăng giữ nguyên giá.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh chiều ngày 22/8.  Ở kỳ này, cơ quan điều hành giữ nguyên giá xăng và tăng giá dầu. Cụ thể, dầu diesel tăng 850 đồng mỗi lít, còn dầu hỏa tăng 730 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut giữ nguyên.

Sau điều chỉnh, từ 15 giờ cùng ngày, mỗi lít xăng E5 RON 92 vẫn tiếp tục được bán lẻ với giá tối đa là 23.720 đồng, RON 95 là 24.660 đồng; dầu diesel 23.750 đồng, dầu hỏa 24.050 đồng, dầu mazut 16.540 đồng/kg.

Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng chiều ngày 22/8 được giữ nguyên. Ảnh: Phạm Hùng
Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng chiều ngày 22/8 được giữ nguyên. Ảnh: Phạm Hùng

Tại kỳ này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích quỹ bình ổn với giá xăng là 451 - 493 đồng/lít; với các loại dầu trích lập từ 250 - 641 đồng/lít/kg. Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 700 đồng/lít , xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít, dầu diesel ở mức 350 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít  và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 17/8, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng biến động không lớn.

Cụ thể, giá bình quân RON 92 (để pha chế xăng E5 RON 92) là hơn 107 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 110,8 USD/thùng. Giá các loại dầu có xu hướng tăng mạnh hơn. Nhiều thời điểm, dầu diesel có giá xấp xỉ lên 130 USD/thùng.

Cũng trong hiên giao dịch sáng nay, 22/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 1,07 USD/thùng tương ứng 1,18% xuống mức 89,70 USD/thùng; Dầu Brent giảm 1,17 USD/thùng tương ứng 1,21% xuống mức 95,55 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu tiếp tục đà giảm phiên tuần trước, khi dầu WTI đã đánh dấu mức giảm 2,5% trong tuần, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, suy thoái tiếp tục gây áp lực lên thị trường năng lượng, với các biên bản của Fed báo hiệu sẽ có những cam kết mạnh mẽ để giảm lạm phát về cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc tăng lãi suất cao hơn, và đầu tư vào dầu sẽ kém hấp dẫn hơn, giá cũng vì thế mà giảm theo...

Mặt khác, các số liệu sản xuất công nghiệp và các đợt ngừng hoạt động do Covid-19 ở Trung Quốc đã làm tăng thêm lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu năng lượng.

Tuy nhiên, giá dầu được hỗ trợ nhờ những số liệu tích cực từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm mạnh 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/8. Xuất khẩu dầu của Mỹ cũng tăng lên mức kỷ lục 5 triệu thùng/ngày, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường trong tuần trước...