Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới giảm hơn 6%, trượt dốc liên tiếp trong 4 tuần

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thô giảm tuần thứ 4 liên tiếp với dầu WTI sụt 6,6%, dầu Brent giảm 6% do nhà đầu tư lại lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung.

Thị trường dầu mỏ chứng kiến 4 tuần giảm liên tục giữa bối cảnh những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung sau khi Mỹ thông báo sẽ “miễn trừ” tạm thời cho 8 quốc gia khỏi gói trừng phạt thứ 2 đối với Iran.
Thị trường dầu mỏ chứng kiến 4 tuần giảm liên tục do lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. 
Theo đó, ở phiên giao dịch ngày 29/10, giá dầu trượt dốc do triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu thô. Các hàng hóa công nghiệp như dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc trên các thị trường chứng khoán thế giới do lo ngại về lợi nhuận DN và tác động của căng thẳng thương mại đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như đồng USD mạnh lên.
Sang phiên 30/10, giá “vàng đen” tiếp tục sụt hơn 1% do dấu hiệu nguồn cung đang tăng lên và lo ngại nhu cầu năng lượng suy yếu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giá dầu Brent có thời điểm đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/8 xuống 75,09 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI rơi xuống mức 65,33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 17/8.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng giá dầu cao đang làm tổn hại đến người tiêu dùng và có thể làm giảm nhu cầu năng lượng tại thời điểm hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại. Theo số liệu từ Refinitiv Eikon, sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Ả Rập Saudi đã lần đầu tiên đạt mức 33 triệu thùng/ngày trong tháng 9, tăng 10 triệu thùng/ngày kể từ khi bắt đầu thập niên này. Sản lượng của 3 nhà sản xuất lớn này hiện đáp ứng hơn 30% nhu cầu dầu thế giới.
Bước sang phiên giao dịch ngày 31/10, giá dầu mỏ tiếp tục đà mất giá, chốt tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016, với dầu Brent giảm 8,8% và dầu WTI hạ 10,9%. Các chuyên gia nhận định rằng những dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung trên toàn cầu đã gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ. Trong tháng 10, sản lượng dầu của Nga đạt 11,41 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng có kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991.
Trong phiên 1/11, giá dầu lại lao dốc gần 3%, với giá dầu thô WTI chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4, do những lo ngại nhu cầu dầu trên toàn cầu đang yếu đi.
Giá dầu giảm nhẹ trong ngày 2/11, đánh dấu 4 tuần lao dốc liên tiếp, do chịu sức ép từ kế hoạch miễn giảm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và sự gia tăng của sản lượng dầu thô toàn cầu. Báo cáo từ Bloomberg cho biết, các nước được miễn trừ áp các lệnh trừng phạt bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Lệnh miễn trừ cho phép các nước này tiếp tục mua dầu từ Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các thành viên OPEC đã nâng sản lượng trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 - vượt mốc 33 triệu thùng/ngày.
Brian Youngberg - chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones, nhận định: “Hiện đang có nhiều biến động và bất ổn trên thị trường dầu hơn bình thường. Ngoài ra, những yếu tố bao gồm sự hoài nghi về nhu cầu toàn cầu suy yếu, những cam kết giữ nguồn cung ổn định từ Ả Rập Saudi, sản lượng dầu từ đá phiến tiếp tục tăng vọt, Venezuela,… là một bức tranh hỗn loạn đối với giá dầu vào thời điểm hiện tại và trong những tuần tới”.
Chốt phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 55 xu Mỹ (tương đương 0,9%) xuống 63,14 USD/thùng, một lần nữa chạm đáy kể từ đầu tháng 4/2018. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 6,6%.
Giá dầu Brent hạ 6 xu Mỹ (tương đương gần 0,1%) còn 72,83 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/4. Giá mặt hàng dầu này đã giảm 6% trong tuần qua. Cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
Marshall Gittler - Giám đốc chiến lược tại ACLS Global, cho biết: “Dầu tiếp tục đi xuống do lo ngại về nguồn cung. Thông thường, có 2 lý do có thể khiến giá dầu giảm: một lý do “hợp lý” là dư thừa nguồn cung; và một lý do “xấu”, đó là nhu cầu suy yếu”.
Các cuộc thăm dò khác nhau trong tuần này từ Bloomberg và Reuters cho thấy các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng sản lượng trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 - vượt mốc 33 triệu thùng/ngày.
Cũng trong tuần này, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ đạt 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Đây cũng là lần đầu tiên sản lượng dầu trong tháng của Mỹ vượt mốc 11 triệu thùng/ngày , qua đó đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 2/11 cho thấy khả năng sản lượng dầu của Mỹ có thể suy giảm. Theo đó, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm 1 giàn xuống 874 giàn trong tuần này, sau khi tăng 3 tuần liên tiếp.