Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Bến đỗ bình yên

Hương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đời tôi vốn không phẳng lặng, cha mẹ đều là người câm điếc bẩm sinh nên từ nhỏ tôi đã luôn mặc cảm tự tin với bạn bè cùng trang lứa. Tôi đã có một tuổi trẻ xốc nổi, những tưởng sẽ không bao giờ có được bến đỗ bình yên.

Nhà có hai chị em gái, thật may mắn khi chúng tôi được sinh ra và phát triển bình thường, không có bất kỳ khiếm khuyết nào trên cơ thể. Giữa thành phố vội vã và đắt đỏ này, gia đình tôi may mắn vì còn có căn nhà của ông bà để lại, ít ra cũng có chỗ chui ra chui vào thoải mái, không phải lo phải đóng tiền nhà mỗi tháng.
Vì sinh ra không may mắn nên bố được các bác thương yêu chăm sóc hết mực, thường chu cấp tiền và mua sắm cho, cũng chính vì thế mà dù đã có gia đình, bố vẫn chỉ biết ăn chơi, không lo làm ăn. Một mình mẹ đi làm đủ thứ nghề để lo cho gia đình, rồi mẹ bệnh và mất khi tôi mới 10 tuổi.
Ảnh minh họa.
Mẹ không còn, bố bỏ mặc chị em tôi tự lo. Vốn đã luôn tự ti về gia đình của mình, nay mất đi chỗ dựa, tôi như một đứa trẻ hoang, bỏ học để đi đám đúm với đám trẻ trong xóm, quậy phá đủ trò, học đòi người ta hút thuốc. Một người cô không đành lòng, nên đã bắt tôi về nuôi, bắt tôi đi học trở lại, bắt phải vào guồng cuộc sống của một đứa trẻ đúng nghĩa, lo ăn lo học.
Tôi đi học, rồi lại nhanh chóng chơi với đám học trò hư hỏng trong trường, thậm chí đã từng thử “chất trắng" nhưng mới lần đầu đã bị cô phát hiện nên may mắn không trở nên nghiện ngập. Tuổi trẻ của tôi là những tháng ngày hư hỏng, quậy phá. Cô tôi mệt mỏi, nhưng không thể bỏ mặc, cô dành nhiều thời gian cho tôi hơn, đi đâu cũng dẫn tôi theo, cô còn cho tôi đi học những lớp năng khiếu, thế nên ngoài những thời gian học ở trường thì thời gian còn lại là đi với cô.

Năm tôi 17 tuổi, cô dẫn tôi tham gia một hoạt động thiện nguyện và cuộc đời tôi thật sự bước sang một trang mới từ đây. Chúng tôi đi tặng quà cho những người vô gia cư vào dịp Giáng sinh. Tôi thực tình không muốn đi một chút nào, nhưng không thể không đi. Những người tôi gặp, họ không có nhà, cả ngày lang thang khắp nơi nhặt rác, bán vé số, tất cả gia tài gói gọn trong một chiếc ba lô, hay trên một chiếc xe đạp cũ.
Giữa tiết trời lạnh lẽo, họ ngủ tạm trong những mái hiên, nằm trên sàn đất với một chiếc áo đắp hờ hững, hay một chiếc chăn rách bẩn. Những ánh mắt thẫn thờ vô hồn khi đưa tay nhận quà, hay ánh mắt dưng dưng miệng mỉm cười, tất cả đều nhắc nhở tôi, rằng tôi đã may mắn hơn biết bao nhiêu người, tôi có một mái nhà để ở, có một nơi để về, có cơm để ăn.
Bố mẹ dù bị câm điếc thì họ vẫn luôn lo cho tôi từng miếng ăn. Bố dù chỉ biết chơi không làm, những vẫn nấu cho tôi những bữa cơm sau giờ tan học, vẫn mua cho tôi những chiếc kẹp tóc xinh. Tôi khóc, khóc rất nhiều sau chuyến đi hôm ấy, những con đường vốn thân quen nhưng hôm nay thật khác. Tôi thấy cuộc đời thật tươi đẹp biết bao, và tôi muốn những người thân yêu của mình được sống vui vẻ, không cần phải vì tôi mà lo lắng, khổ tâm nữa.
Ngày hôm sau, tôi xin phép cô cho tôi và em được chuyển về ở với bố, tôi không muốn ông phải sống cô quạnh một mình để rồi bữa ăn bữa không. Tôi đã đủ trưởng thành để có thể là chỗ dựa của bố, của em gái. Tôi bắt đầu với vai trò là người lo lắng mọi thứ trong nhà, chăm chỉ học hành hơn, muốn có thể kiếm được nhiều tiền để cuộc sống gia đình tốt hơn. Tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện hơn, không chỉ ở nơi tôi sống mà cả những vùng xa xôi khác. Tôi quen nhiều bạn hơn, họ khiến cuộc sống của tôi thay đổi. Từ một đứa chỉ biết quậy phá, tôi đã biết dọn dẹp nhà cửa, biết sắp xếp lại mọi thứ trong nhà, biết tính toán chi tiêu, biết tiết kiệm, biết lo và nghĩ cho tương lai.

Ở tuổi 32, giờ đây tôi có một cửa hàng của riêng mình, đủ để lo chi tiêu trong nhà, bố có tuổi, ông cũng trầm tính hơn xưa, không còn chơi bời xốc nổi, có thể ông không muốn trở thành gánh nặng của con cái. Em gái đã có tổ ấm của riêng mình, cô bác trong nhà vẫn luôn nhắc nhở tôi cũng cần phải tìm cho mình một bến đỗ, bởi một ngày nào đó bố rồi cũng sẽ đến với mẹ, họ không muốn tôi phải một thân một mình.

Với tôi bến đỗ chính là khoảnh khắc năm 17 tuổi, khi tôi nhận ra mình cần phải sống tử tế với chính mình, tử tế với người thân của mình. Sống tốt, sống hết mình với những người mình thương yêu, đó chính là bến đỗ bình yên nhất trong tâm hồn.