[Gia đình] Cùng lo cho bố mẹ vợ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà đông anh em nhưng mỗi chị là con gái đầu ở nhà với bố mẹ, những người còn lại đều đi làm ăn, sinh sống ở nơi xa. Thế là, chị như người con trai trưởng trong gia đình truyền thống phải gánh vác tất cả.

Chị từ nhỏ đã có tiếng ít nói, lặng lẽ phụ việc nhà, rồi lặng lẽ học bài. Đến chuyện thi cử, lấy chồng chị cũng lặng lẽ như thuận theo tự nhiên, không có gì ồn ào cả. Với bản tính nhẹ nhàng, chị chọn làm nghề giáo viên và trở thành cô giáo có chuyên môn vững, được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Chị lấy chồng công tác ở huyện nhà, vậy là chị được sống và làm việc ngay tại quê, điều mà lúc đó nhiều người ước muốn. Những người em của chị đều đi làm xa, người ra Bắc, kẻ vào Nam… Họ đều lớn lên qua năm tháng, đều có gia đình riêng. Bố mẹ cũng dần già đi. Hàng năm, cứ mỗi khi tết đến, Xuân về, họ mới có dịp hội tụ.
 Ảnh minh họa.
Như một quy luật tất yếu, nhưng đứa con xa thường được bố mẹ mong ngóng, nhắc nhở với sự lo lắng, yêu thương. Mỗi khi, có đứa nào về, bố mẹ vui như ngày hội. Trước đó, chỉ mới nghe tin đứa nào đó về thôi, mẹ đã dọn giường chiếu, chuẩn bị chăn mùng thơm tho, sạch sẽ. Còn bố thậm chí còn đặt cả rượu ngon nếu con là con trai, để cùng nhâm nhi trò chuyện. Còn chị, do ở gần, nên thường xuyên đến nhà thăm thì đó là chuyện… bình thường. Chị đến chủ yếu để mang thêm thức ăn, rồi lau dọn nhà cửa… Bố thì vẫn hỉ hả khi chị mang quà đến, còn mẹ coi như không có chuyện gì xảy ra. Thỉnh thoảng mẹ còn la mắng chị về sai sót này, lơ đễnh nọ.

Cuộc sống gia đình chị không đến nỗi khó khăn nhưng cũng không giàu có gì. Chị và anh đều có lương hưu đủ để trang trải hàng ngày. Tuy nhiên, bố mẹ chị thì khó khăn thực sự vì từ lâu đã mất sức lao động, tiền trợ cấp của nhà nước chỉ tít ỏi. Không ai bảo ai, các con trong nhà đều gửi tiền về cho bố mẹ tùy theo khả năng mỗi người. Chị cũng đóng góp, thậm chí nhiều hơn như ít được bố mẹ để ý.

Ngay cả chuyện làm nhà cho bố mẹ, chị và chồng mình cũng thay các anh em trong nhà gánh vác những chuyện như lo vật liệu, cơm nước cho thợ… nhưng thỉnh thoảng vẫn bị trách móc, kiểu: Sao chậm cái này, chậm cái kia. Biết thiệt thòi nhưng chị vẫn im lặng, như bản tính của mình.

May mà sự thiệt thòi của chị được anh em trong nhà biết. Nhất là anh, chồng chị, sẵn sàng hỗ trợ chị để lo công việc cho nhà vợ. Đây là điều khiến chị vui nhất. Chị nghĩ: “Việc của nhà vợ mà anh còn lo lắng, xắn tay vào làm nhiệt tình, huống hồ gì là mình”. Anh cũng từng nói: “Nhiều gia đình, khi con cái đi xa gửi vài đồng về nhà thì hỉ hả, cảm ơn con rối rít. Họ không biết đứa ở nhà lo đủ thứ, nào là giỗ chạp, sức khỏe cho bố mẹ, mà người già thì đau ốm thường xuyên”.

Chị nghĩ, đúng là không có anh thì chị khó giúp được cho bố mẹ nhiều, vì chị còn có nghĩa vụ là một con dâu theo quan niệm từ xưa: “Dâu con, rể khách”. Nhà chồng lại ở xa, chị ít khi về thăm được. Chị áy náy về điều này nhưng khi tâm sự cùng anh thì được anh động viên: “Ở nhà ông bà nội có nhiều cô, chú… lo”. Anh còn nói rằng, nhiều chuyện chị có thể giúp cho bố mẹ được, nhưng có chuyện anh phải lo, như sửa lại mái nhà hư hỏng, đưa ông bà đi thăm khám… Thời đại mới rồi, con rể và con dâu cũng như nhau. Nếu có điều kiện thì giúp bố mẹ mình cho đúng phận con cái. Anh nói rằng, mình làm như vậy thì sau này dâu rể của mình cũng sẽ đối xử tốt với mình.

Chị thầm nghĩ: May là mình có anh bên cạnh trong cuộc đời này. Chị nghĩ thêm rằng, con cái thì có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ già. Sau này vợ chồng mình già rồi, mấy đứa con giúp đỡ bố mẹ thì nên ghi nhận công bằng cho tất cả. Riêng mình, miễn bố mẹ vui khỏe là được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần